Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi chùa Khmer lâu đời nhất Bình Phước

08:07, 08/04/2018

Chùa Sóc Lớn được xem là ngôi chùa Khmer lâu đời và nổi tiếng nhất ở tỉnh Bình Phước.

 Chùa thuộc ấp Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh). Tên gọi Sóc Lớn của chùa là do dân gian gọi từ tên phum sóc nơi chùa tọa lạc. Ban đầu khi mới được thành lập, chùa có tên theo tiếng Pili là Rajamahajetavana Rama (nghĩa là “chùa do Trưởng giả Cấp cô độc cùng Thái tử Kỳ Đà trong thành Ba La Nại xây dựng và dâng cúng đức Phật”.

Chùa Sóc Lớn được Hòa thượng Tốp Cháp xây dựng vào mùa hè năm 1931, đến năm 1937 mới hoàn thành. Trải qua những năm tháng chiến tranh, chùa nhiều lần bị tàn phá. Đặc biệt, năm 1972, chùa bị trúng bom đạn của Mỹ, chánh điện bị sập hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng. Phật tử và bà con trong vùng phải dựng lại ngôi nhà tranh để thờ các tượng Phật. Đến năm 1995, Đại đức Lý Sang đã vận động phật tử và nhân dân đóng góp, xây mới lại chùa Sóc Lớn như hiện nay.

Chùa Sóc Lớn là một trong những công trình kiến trúc Khmer tiêu biểu của Bình Phước. Chùa mang kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa Khmer, bao gồm chánh điện, tháp thờ Phật … Đây là ngôi chùa mang kiến trúc đặc trưng của chùa theo dòng Phật giáo Nam Tông. Các tượng Phật được thờ trong chùa đều có từ trước năm 1937.

Chánh điện chùa Sóc Lớn.
Chánh điện chùa Sóc Lớn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Sóc Lớn đã nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhiều người sau này trở thành lãnh đạo của huyện Lộc Ninh như nguyên Bí thư Huyện ủy Chín Hùng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Năm Hồng, Anh hùng Lao động Lâm Búp... Ngày 15-12-2004, chùa Sóc Lớn được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là ngôi chùa Khmer duy nhất được cấp bằng di tích tính đến hiện nay.

Chùa Sóc Lớn là một trong những trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội lớn của người Khmer tại Bình Phước. Ngoài sinh hoạt tín ngưỡng, chùa còn được xem là như một “bảo tàng”, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước, thu hút một lượng lớn phật tử và du khách hằng năm như lễ Magha Puja (lễ Phật định, 15-1 âm lịch), tết Chol Chnăm Thmây (tết năm mới của người Khmer, từ 14 đến 16-4 dương lịch), lễ Visakha Puja (lễ Phật đản, 15-4 âm lịch), lễ Dolta báo hiếu (lễ Vu lan của người Khmer, từ 15 đến 30-8 âm lịch), lễ Oóc Bom Bóc cúng trăng (15-10 âm lịch)… Ngoài ra, chùa còn là nơi dạy chữ Khmer cho các em học sinh Khmer trên địa bàn huyện.

Có kiến trúc đẹp, với lịch sử gần một thế kỷ, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer, chùa Sóc Lớn là một trong những điểm đến nổi tiếng của tỉnh Bình Phước hiện nay; được xếp vào danh sách những điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích năm 2016.

Phạm Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.