Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ mùa hoa trắng

07:59, 25/04/2018
Có một người bạn của tôi chia sẻ trên facebook “Chẳng cần đi đâu xa cả, chỉ cần ở Việt Nam, trên những cung đường từ vùng núi cao hay ngay trên những tuyến phố… bạn cũng có thể ngắm những mùa hoa trắng đẹp đến nao lòng”.

Quả thật đúng như vậy! Mùa Đông có hoa cúc họa mi (Hà Nội), có hoa cải (Mộc Châu, tỉnh Sơn La); mùa Thu nồng nàn mùi hoa sữa (Hà Nội); còn mùa Xuân thì nào là hoa sưa (Hà Nội), hoa mận, hoa mơ, hoa ban (Tây Bắc) và hoa cà phê thơm ngát (Tây Nguyên).

Với tôi, màu trắng tinh khôi cùng mùi hương thơm dịu nhẹ của hoa cà phê đã đi vào tâm thức từ thuở bé thơ để mỗi dịp gần Tết lại thấy náo nức, mong chờ. Hoa cà phê đã đồng hành cùng sự trưởng thành của tôi nên càng gần gũi, thân thương đến lạ.

Nơi tôi sinh ra là vùng ven đô Buôn Ma Thuột (xưa) nên cây cà phê được trồng quanh nhà. Cứ thu hoạch xong cà phê (khoảng tháng 12 âm lịch hằng năm), những nhà vườn lại bắt đầu mùa tưới nước. Công việc tưới nước rất vất vả nhưng cần thiết bởi mùa khô Tây Nguyên kéo dài, vườn cà phê chỉ thiếu nước khoảng một tháng là sẽ chết cháy. Sau tưới nước đợt đầu tiên khoảng một tuần, cà phê sẽ đơm nụ, bung hoa. Hoa cà phê nở đồng loạt sau lần tưới nước đầu tiên này, còn vào những đợt tưới lần hai, lần ba, hoa chỉ nở vét lại. Canh tác thuận theo tự nhiên, theo mùa vụ, cùng thu hoạch, cùng tưới nên “không hẹn mà gặp” cà phê cũng sẽ bung hoa cùng một lúc trắng xóa cả một vùng bạt ngàn, tỏa hương ngào ngạt cả một vùng đất trời mênh mông. Còn nhớ, lúc còn nhỏ, ba mẹ tôi vẫn thường canh lịch tưới nước cho cây cà phê để sáng mồng Một Tết mở cửa đón ngày đầu năm mới sẽ được nhìn thấy màu trắng xen lẫn trong màu xanh lá của vườn cà phê quanh nhà. 

Cũng như nhiều người gắn bó thiết thân với Tây Nguyên tôi đã rất hạnh phúc và nôn nao với mỗi mùa hoa cà phê và càng yêu hơn khi hoa cà phê - một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ cao nguyên đã khiến không ít người  mê mẩn, xao xuyến, nhung nhớ, bồi hồi hẹn mùa hoa cà phê năm sau sẽ trở lại Buôn Ma Thuột. Tôi kiêu hãnh khoe với bạn bè rằng: Buôn Ma Thuột không chỉ có nắng, có gió… mà còn có cả một miền hoa trắng khó quên.

Hương sắc cà phê.
Hương sắc cà phê.

Cũng như tôi, “với miền đất Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, hoa ban thực sự gần gũi và gắn bó máu thịt cả trong cuộc sống thường nhật lẫn trong đời sống tinh thần”- một người bạn công tác trong ngành Văn hóa của tỉnh Điện Biên chia sẻ trong lần tình cờ gặp nhau trên đỉnh đồi A1. Chính màu trắng muốt của hoa ban trên các cung đường từ tỉnh Lào Cai, qua Lai Châu, đến Điện Phủ và ngay trong lòng thành phố Điện Biên Phủ đã “lôi” chúng tôi ra ngay đường Võ Nguyên Giáp, khu vực đồi A1, đồi D1 để ngắm, để nâng niu những cánh hoa ban mỏng manh, e ấp. Và rồi sáng hôm sau, khi thành phố Biện Biên Phủ còn chìm sâu trong giấc ngủ, đã leo 320 bậc của đường chính dẫn lên tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (nằm trên đồi D1) để chiêm ngưỡng hoa ban trong ánh bình minh. Và tiếp tục thưởng lãm hoa ban nở thành rừng khi phóng tầm mắt ra xa từ đỉnh đồi A1.

Không riêng gì tôi - từ núi rừng Tây Nguyên lần đầu tiên đến với vùng biên viễn tây bắc của Tổ quốc, mà ngay cả những người con của Tây Bắc, những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong mặt trận Điện Biên Phủ về thăm lại chiến trường xưa, thậm chí là du khách ở Hà Nội - dù đã quen với sự có mặt của hoa ban ở Thủ đô cũng không thể cưỡng lại trước những cánh hoa mỏng manh, tím phớt hồng mang đậm nét núi rừng Tây Bắc.

Tây Nguyên, Tây Bắc dường như lãng mạn hơn trong mùa hoa cà phê,  hoa ban nở. Hai vùng đất, hai loài hoa, nhưng như có chung một niềm xúc cảm. Năm nay, không có Lễ hội Cà phê (2 năm mới tổ chức một lần), còn Lễ hội hoa Ban diễn ra với nhiều hoạt động, tôi cứ bồn chồn suốt những ngày hoa trắng ấy: lại lỡ hẹn một mùa hoa nữa… Tôi bỗng nhớ đến chuyến đi Tây Bắc giữa mùa Xuân năm trước, cũng là để đón một mùa hoa…

Nguyên Hoa

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.