Multimedia Đọc Báo in

Dấu tích "đường sắt trên không" xuyên biên giới ở Quảng Bình

09:51, 24/05/2018

Năm 1929, thực dân Pháp bắt tay thiết kế và xây dựng một tuyến đường sắt độc đáo xuyên qua trập trùng đồi núi và hun hút thung lũng bắt đầu từ ga Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đến thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Sau 5 năm ròng rã lợi dụng nguồn nhân công phu phen rẻ mạt, người Pháp đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt có tổng chiều dài ước khoảng 70 km, với hệ thống các cột đỡ bằng bê tông cốt thép cao hàng chục mét cùng những dây cáp treo mang theo những thùng goòng ngày đêm dích dắc giữa không trung hiểm trở. Đó chính là “Không trung thiết lộ” hay “Đường sắt trên không” mà hiện vẫn còn nhiều dấu tích ở vùng rừng núi phía tây Quảng Bình, minh chứng cho việc khai thác kinh tế triệt để và bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Để xây dựng một “Không trung thiết lộ” kì vĩ và phi thường, người Pháp đã bắt ép, bóc lột tàn bạo người dân địa phương và các tỉnh lân cận làm phu phen tạp dịch cho chúng. Mục đích của thực dân Pháp khi xây dựng “Đường sắt trên không” là để vận chuyển lương thực từ đồng bằng lên miền núi Quảng Bình và sang Lào cũng như chở thuốc phiện, vàng sa khoáng, gỗ quý theo chiều ngược lại tập kết ngoài biển rồi chở về làm giàu cho “mẫu quốc”.

Những cột bê tông còn lại của “Đường sắt trên không”.
Những cột bê tông còn lại của “Đường sắt trên không”.

Hiện nay “Không trung thiết lộ” chỉ còn lại những cột bê tông đứng chơi vơi giữa trời. Trong kháng chiến chống Pháp, để cắt đứt việc sử dụng “Đường  sắt trên không” trong việc tiếp tế khí tài, vật lực từ những binh đoàn cơ động của Pháp cho chiến trường, quân và dân ta đã phá hủy một số mối cầu trọng điểm, khiến tuyến đường sắt này phải ngưng hoạt động.

Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, tình thế thay đổi, quân dân ta lại bắt tay vào hàn gắn những đoạn đường đã bị san phá trước đó để sử dụng những thùng goòng có gắn bánh xe, trượt trên “Đường sắt trên không” đưa bộ đội, lương thực, súng ống, đạn dược vào phục vụ tiền tuyến miền Nam. Năm 1964, tuyến vận chuyển tiện dụng và độc đáo này của ta đã bị Mỹ phát hiện. Chúng đã điên cuồng ném bom khiến cho tuyến đường sắt này ngừng hoạt động hẳn. Từ đó, những nhà ga dùng làm trạm trung chuyển, những mố cầu, cột bê tông cùng hệ thống cáp treo vươn mình giữa núi đá cheo leo mà người ta không thể đo đếm được biết bao công sức, xương máu đã đổ xuống dần dần bị đứt gãy và hư hỏng theo thời gian.

Hầm Thanh Lạng.
Hầm Thanh Lạng.

Dấu tích đậm nét nhất mà “Không trung thiết lộ” còn tồn tại là hầm đường sắt Thanh Lạng. Đây là một trong hệ thống những hầm đường tàu được thi công xuyên qua núi hòng rút lại quãng đường ngắn nhất khi đoàn tàu di chuyển. Hầm Thanh Lạng có độ dài hơn 500 mét, chiều rộng 6 mét, chiều cao 5 mét được người Pháp thiết kế và thi công từ năm 1932, phải tới 7 - 8 năm sau mới thông hầm. Với lối thi công “ăn chắc, mặc bền” của Pháp, toàn bộ kết cấu hầm Thanh Lạng được xây dựng bằng những khối đá cuội vuông vắn xếp san sát nhau. Gắn kết giữa chúng là lớp vữa xi măng trộn lẫn mật mía nhằm gia tăng khả năng chống thấm nước và giảm thiểu mức độ sụt lún cho công trình.  

Sau khi tuyến “Đường sắt trên không” ngưng hoạt động, trong kháng chiến chống Mỹ, hầm Thanh Lạng được quân và dân ta sử dụng làm kho chứa quân trang, quân dụng, lương thực, vũ khí. Ngày nay, hầm Thanh Lạng vẫn giữ nguyên được khung xương chắc chắn, trên bề mặt do quá lâu không sử dụng, bảo trì nên đã lỗ chỗ những lỗ nước giọt. Tuy vậy, hằng ngày người dân địa phương vẫn an tâm sử dụng tuyến đường hầm này để qua lại canh tác hay làm nơi nghỉ chân, tránh trú mưa.

Ngoài những chứng tích trên, “Không trung thiết lộ” còn có thêm những đoạn đường đất đá lởm chởm, cao vượt hẳn lên giữa khu dân cư được người dân bê tông hóa thành đoạn đường vượt lũ. Ngành điện lực địa phương cũng đang tận dụng những cột trụ cao chót vót còn lại để kéo điện lưới trên đó. Và còn rất nhiều vật dụng sinh hoạt như xoong nồi, thùng ấm, mâm chén… được người dân bản địa gò từ những thùng goòng bỏ đi thời bấy giờ. Những hiện vật được họ nâng niu, sử dụng như để hồi tưởng và trân trọng những năm tháng gian khó mà hào hùng thuở nào.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.