Đến cố đô Oudong nhớ công chúa Ngọc Vạn
Cố đô Oudong (còn gọi là Udong hoặc Odongk), cách Thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) khoảng 40 km về hướng tây bắc, từng là vương triều của đế chế Khmer (hay còn gọi là Chân Lạp) trong hơn 2 thế kỷ. Oudong chính thức trở thành kinh đô năm 1618 dưới thời vua Chey Chettha II và kết thúc vào năm 1866 dưới thời vua Norodom.
Vẻ đẹp hoang sơ
Oudong còn được gọi bằng cái tên “Oudong Meanchey” (theo nghĩa là “chiến thắng cao quý”), hiện tọa lạc tại huyện cùng tên thuộc tỉnh Kampong Speu (Campuchia). Dù cùng là cố đô nhưng Oudong có sự trái ngược hoàn toàn với Siem Reap. Nếu Siem Reap nhộn nhịp, ồn ào thì ở Oudong lại bình yên, dân dã như chính con người nơi đây. Nếu ai yêu màu xanh thiên nhiên, thích tĩnh lặng thì đây là địa chỉ tuyệt vời. Lối vào quần thể Oudong thanh bình với những hàng cây xanh rì, hai bên đường chỉ có vài ngôi nhà nhỏ, các tiệm tạp hóa dù xập xệ nhưng bán đầy đủ thức uống để phục vụ du khách với giá vô cùng bình dân.
Chúng tôi đi dọc con đường số 5 dẫn vào Oudong, có những bảng chỉ dẫn đến với làng Bạc, nơi làm nên những vật dụng cho vua và giới quý tộc sử dụng. Sau mươi phút tham quan, anh bạn người Campuchia gốc Việt bảo: “Oudong đang trùng tu nên không tham quan được nhiều cảnh. Muốn nhìn toàn cảnh cố đô, cậu nên leo lên núi”. Chúng tôi tiếp tục men theo con đường làng để tiến về phía núi. Dưới chân núi có một đài tưởng niệm lớn chứa xương của hàng trăm nạn nhân được khai quật tại đây trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thảm sát của Khmer đỏ. Hai bên đường lên núi có dăm người bán côn trùng rán, nào là trứng kiến, nhộng tằm, bọ cạp, cà cuống, nhền nhện… Ở đây cũng có nhiều gian hàng lưu niệm, hoa quả nhưng chủ yếu là quả thốt nốt. Rất đông trẻ con tụ tập nơi đây nhưng tuyệt nhiên chúng không xin tiền hay đeo bám.
Cố đô Oudong nhìn từ núi Oudong. |
Đường lên núi có nhiều bậc thang uốn lượn như rắn thần Naga trườn mình. Không gian thoáng đãng, sạch sẽ, không một tí rác. Dù không ai nhắc nhở nhưng ai nấy tự động bỏ rác vào sọt hoặc mang xuống núi để ở nơi tập kết chứ không vứt lung tung. Phải mất nửa giờ chúng tôi mới leo lên đến đỉnh núi vì phải nghỉ mệt vài lần do các bậc thang quá dốc. Khi bước vào chánh điện, nơi có những tháp nhỏ thờ Phật, mọi người buộc phải ăn mặc lịch sự và bỏ dép bên ngoài. Trong ánh mặt trời của buổi sáng dịu nhẹ, những tòa tháp nhọn liễu màu trắng tinh tán sắc trông thật lộng lẫy và sang trọng. Nhìn cách mà người dân địa phương đứng trang nghiêm, mắt đăm chiêu về nơi thăm thẳm hồi lâu cũng đủ hiểu Oudong có giá trị tâm linh, lịch sử như thế nào.
Từ đỉnh núi, nơi có những tòa tháp trắng cao vút, có thể ngắm nhìn toàn cảnh cố đô Oudong bên dưới. Đó là một vùng đồng bằng trũng rộng lớn, lô nhô những ngọn tháp Gropa vàng cao vút được điêu khắc tinh xảo. Do bị tàn phá bởi bom đạn thời chiến nên hiện nay đa phần các tháp trở thành phế tích, đang được chính quyền ra sức trùng tu bằng phương pháp thủ công truyền thống. Tại Oudong hiện nay vẫn còn một số di tích tôn giáo quan trọng đang nằm trong danh sách đề cử công nhận là Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Các di tích này bao gồm các mộ táng của những vị vua Khmer cũng như các hiện vật tôn giáo có niên đại hơn 100 năm.
Giai thoại về công chúa Ngọc Vạn
Đến cố đô Oudong, du khách người Việt sẽ không thể nào quên được giai thoại về công chúa Ngọc Vạn. Bà là ái nữ của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên (xứ Đàng Trong), buộc phải theo chồng xa quê. Dù ở Campuchia, những sử sách và câu chuyện về công nữ Ngọc Vạn rất ít, thậm chí là mờ nhạt, không ai lưu tâm nhưng tại Việt Nam, có rất nhiều sách viết về bà rất trang trọng, tôn kính bởi sự hy sinh thầm lặng vì đất nước.
Theo “Biên Hòa sử lược toàn biên” của Lương Văn Lựu (Nhà xuất bản Biên Hòa, xuất bản 1973), sau khi xây dựng kinh đô Oudong, để củng cố quyền lực và tránh xảy ra chiến tranh với các nước khác, vua Chey Chetta II đã cầu hôn công chúa Ngọc Vạn.
Tháp trắng sang trọng trên núi Oudong. |
Nhận thấy đây là cơ hội tốt để gắn kết tình hữu hảo, tránh xảy ra xung đột, chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã đồng ý cuộc hôn phối này. Sau khi trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn được ban tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Vừa đẹp người, lại đẹp nết, công nữ Ngọc Vạn được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi báu giữa những hoàng thân. Nhiều nhà vua bị anh em họ, rể, cháu... giết chết một cách thê thảm. Đến năm 1642, một người con của vua Chey Chettha II đoạt được quyền lực, lên ngôi báu lấy vương hiệu là Chau Ponhea Chan. Cũng theo “Biên Hòa sử lược toàn biên”, sau hơn 50 năm luôn phải tìm cách tồn tại trong chốn vàng son nhưng đẫm máu, Thái hậu Ngọc Vạn đã lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời. Bà được hậu thế ca tụng, trong đó tiến sĩ Trần Thuận đã viết: “Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... góp phần giành giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa... Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay!”.
Hoàng Duy
Ý kiến bạn đọc