Multimedia Đọc Báo in

Đền voi trắng ở Myanmar

10:00, 24/05/2018
Các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar là xứ sở của voi. Trong quá khứ, voi đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ của các nước với binh chủng voi hùng hậu.
 
Ngày nay, voi hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt ở các khu bảo tồn thiên nhiên; voi nhà được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, phục vụ hoạt động du lịch. Đặc biệt, voi trắng được xem như báu vật của quốc gia. Myanmar là đất nước được sở hữu đến 9 con voi trắng.

Tại Naypyitaw, thủ đô mới của Myanmar, 6 con voi trắng được nuôi dưỡng trong một ngôi đền, kề bên chùa Uppatasanti ở trung tâm thủ đô, 3 con voi trắng còn lại được chăm sóc tại Công viên Mindhamma Hill, vùng ngoại ô của Yangon, thủ đô cũ của nước này. Những con voi quý giá không phải nhốt trong chuồng trại bình thường mà được ở trong những ngôi đền có lối kiến trúc đẹp, khang trang mà người địa phương gọi là “Đền voi trắng”, xung quanh có hồ, thác nước, cây xanh và thực vật nhân tạo, rất thuận tiện cho việc chăm sóc và tham quan của du khách.

Đền voi trắng ở Yangon.
Đền voi trắng ở Yangon.

Các tộc người ở Đông Nam Á đều có nhiều huyền thoại về voi trắng. Dưới góc độ sinh học, voi trắng có bộ da xám nhạt pha hồng, thực ra là những con voi khác thường, đột biến về gene, là những trường hợp bị bạch tạng. Voi trắng có lông trắng trên lưng, mắt màu vàng nhạt và cũng hiền hơn voi thường. Ở Việt Nam, voi trắng là loài vật huyền bí được nhiều người muốn tìm hiểu nhưng phần lớn chỉ nghe trong truyền thuyết, truyện cổ, chuyện kể, câu chuyện lịch sử chứ chưa hề trông thấy chúng ngoài thực tế, bởi loài voi này đã bị tuyệt chủng. Trong khi đó, tại Myanmar hiện còn nhiều cá thể voi trắng, là con vật được du khách quan tâm khi đến thăm đất nước này.

Nhiều nước có tục lệ thờ voi trắng như một biểu tượng linh thiêng, và dấu hiệu của phú cường. Người Thái Lan gọi voi trắng là Chang Pheuak, nghĩa là voi bạch tạng (albino elephant). Ngày xưa vua chúa thường cưỡi voi trắng để chứng tỏ uy quyền hoàng gia, biểu tượng cho sự phồn thịnh của đất nước dưới sự trị vì của nhà vua. Đã có nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Xiêm La và Miến Điện chỉ vì tranh giành voi trắng. Trong giáo lý, điển tích Phật giáo cũng có nhiều câu chuyện liên hệ đến voi trắng. Phổ Hiền bồ tát (Samantabhadra) cưỡi voi trắng sáu ngà tượng trưng cho trí huệ chiến thắng sáu giác quan. Vì voi là con vật khôn nhất trong các loài thú nên theo truyền thuyết, Phật Thích Ca khi nhập vào trong bụng mẫu hậu Sirimahamaya qua hình dáng một con bạch tượng, ám chỉ ngài là một bậc hiền giả giáng sinh.

Đền voi trắng ở thủ đô Naypyitaw (Myanmar).
Đền voi trắng ở thủ đô Naypyitaw (Myanmar).

Đền chùa Phật giáo ở Myanmar ngoài lối kiến trúc đặc trưng còn xuất hiện nhiều tượng voi mà tiêu biểu là tượng Đức Phật ngồi thiền trên lưng 3 con voi đực có ngà ngắn, nhỏ; một con voi đứng giữa làm trục đối xứng cho hai con voi hai bên; vòi, đầu và chân voi đều khắc hoa văn tinh tế. Cổng chùa thường tạc hai chú voi trắng đứng hai bên. Chùa Vàng ở Yangon là ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất Myanmar. Xung quanh chánh điện, ngoài tượng Phật còn thấy nhiều nhóm tượng miêu tả 3 chú voi trắng phủ phục, đầu hướng ra ngoài với phong cách nghệ thuật khá độc đáo. Cạnh bên tượng voi trắng là tượng Phật nhỏ ngoài trời. Nơi đây người dân hoặc các vị sư sãi thường tiến hành nghi lễ tắm tượng Phật, đeo vòng hoa lễ cổ đức Phật vào dịp lễ hội lớn như lễ té nước (từ 11 đến 20-4 Dương lịch) hoặc lễ chùa đầu năm.

Các triều vua phong kiến trước đây cũng như thủ lĩnh chính trị hiện nay ở Myanmar đều rất quý trọng voi trắng. Sự xuất hiện của nó như là báo hiệu một cải cách chính trị hoặc mang tới điềm lành. Khi địa phương hoặc quốc gia có những sự kiện, lễ hội lớn thì những con voi trắng được phục sức nghiêm chỉnh từ đầu đến chân và cùng người tham gia các hoạt động vừa nghiêm trang vừa náo nhiệt. Khi thấy voi trắng diễu hành qua quảng trường thì các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đều đứng nghiêm chào voi. Họ còn trân trọng tiến đến thực hiện các nghi lễ thiêng liêng, tôn kính và không quên đeo vòng hoa đẹp, tưới nước thơm lên thân mình voi. Sau đó voi trắng cùng nhiều voi khác diễu hành quanh chùa Uppatasanti trong khi tiếng cầu kinh chúc phúc cho nó vang lên bên trong ngôi chùa.

Hai Đền voi trắng của Myanmar ở Naypyitaw và Yangon là những điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước. Những chú voi trắng nơi đây trông rất khỏe mạnh, hoạt bát vì chúng được chăm sóc khá tốt. Du khách đến tham quan có thể bỏ ít tiền lẻ mua vài món thức ăn như mía, chuối, cỏ non cho chúng. Những chú voi này tuy bị xích chân nhưng không chịu đứng yên mà luôn nhún nhảy như múa, tai quạt, vòi cong lên võng xuống rất sinh động.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.