Multimedia Đọc Báo in

Đung đưa theo những nhịp gùi

09:43, 27/05/2018

Đã từ lâu, chiếc gùi được xem là vât dụng quen thuộc và gắn bó trong đời sống của đồng bào Êđê, đặc biệt là với phụ nữ.

Từ khi còn là đứa trẻ theo mẹ lên nương, các em nhỏ đã học đeo những chiếc gùi trên vai, làm quen với cuộc sống nương rẫy, núi rừng. Đến khi trưởng thành, chiếc gùi lại theo chân những người phụ nữ lên rẫy kiếm củi, làm nương, nặng trĩu trên vai khi họ đi lấy nước, đung đưa theo nhịp chân bước mỗi lần đi chợ… Và ngay cả khi đã già, những người phụ nữ nơi đây vẫn mang theo chiếc gùi trong công việc của mình khi phải ra ngoài. Chính sự gắn bó mật thiết trong vòng quay cuộc đời của người phụ nữ, chiếc gùi không chỉ được xem là dụng cụ dùng để mang vác mà nó còn trở thành biểu trưng cho tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên.

Các em nhỏ đang chuẩn bị biểu diễn một tiết mục văn nghệ  với chiếc gùi.
Các em nhỏ đang chuẩn bị biểu diễn một tiết mục văn nghệ với chiếc gùi.

Theo lời của già Y Cúc Niê (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), gùi của người Êđê thường được đan bằng vật liệu từ tre, mây theo hình khối trụ tròn, phần đế làm bằng gỗ đẽo, có thêm hai quai được làm bằng dây rừng bện chặt để tiện mang vác trên vai. Với mỗi loại gùi, tùy vào mục đích sử dụng mà có kích cỡ khác nhau: gùi cho trẻ nhỏ, gùi cho người lớn, gùi để đựng lúa, gùi dành cho việc cúng lễ... Không đơn thuần chỉ là một vật dụng, chiếc gùi còn là nơi thể hiện óc thẩm mỹ và sự khéo léo của con người trong từng chi tiết, hoa văn. Từ những nan mây, tre, qua bàn tay khéo léo của con người đã tạo ra những chiếc gùi tinh xảo, đây có thể coi là một “tác phẩm nghệ  thuật” mà người làm ra nó đã gửi gắm biết bao tâm tư tình cảm của mình trong đó. Đối với đồng bào Êđê, đa phần đàn ông sẽ là người đan gùi, đây cũng là một cách để người đàn ông thể hiện tình cảm của mình với gia đình, khi tự tay đan những chiếc gùi đẹp nhất, chắc chắn nhất cho vợ con mình sử dụng.

Chiếc gùi còn được sử dụng trong các tiết mục văn nghệ của đồng bào Êđê.
Chiếc gùi còn được sử dụng trong các tiết mục văn nghệ của đồng bào Êđê.

 Trải qua thời gian, nhiều công cụ, phương tiện chuyên chở ra đời, thế nhưng chiếc gùi vẫn là phương tiện vận chuyển khó có thể thay thế của người phụ nữ Êđê.   Ngày nay, không chỉ đến các buôn làng mới có thể nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ mang gùi mà ngay tại TP. Buôn Ma Thuột, vẫn dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ đang cặm cụi mang trên vai chiếc gùi đầy ắp hàng hóa của mình. Hình ảnh những người phụ nữ lặng lẽ với chiếc gùi trên vai  tuy bình dị nhưng đó là nét văn hóa đặc trưng, sâu sắc nhất của đồng bào Êđê còn tồn tại được đến ngày nay đúng với giá trị vốn có của nó.

Diệu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.