Thú vị trò chơi dân gian lày cỏ của người Tày, Nùng
Tại Lễ hội Thanh Minh của người Nùng diễn ra tại xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) có nhiều trò chơi dân gian thu hút mọi người tham gia. Trong đó trò lày cỏ - một môn thi chính của ngày hội là điểm nhấn hấp dẫn gây ấn tượng với nhiều du khách.
Trò chơi lày cỏ tiếng dân tộc là "sai mạ”, thường được giao lưu trong những dịp lễ, Tết, ngày vui của người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng và một số địa phương lân cận, mang nét văn hóa dân gian đặc sắc.
Chơi lày cỏ gần giống như trò oẳn tù tì, nhưng phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ. Người chơi phải phán đoán xem đối phương xòe ra ngón tay như thế nào để đưa ra kết quả. Cách hô kết quả và xòe ngón tay phải đều nhau, nếu không sẽ bị phạt. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “Thồng sỉnh mạ”. Vì thế, mỗi người chơi cần thể hiện bản lĩnh của mình trước đối thủ, đồng thời liên tục đổi mới cách xòe tay khiến cho đối phương không đoán được.
Trò chơi lày cỏ trở thành một nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng. |
Đặc biệt chơi lày cỏ quy định khi hô phải có “đuôi”. Đuôi" ở đây có nghĩa là nhịp của câu nói, chữ cuối được ngân lên và kéo dài, gọi là “lày mỳ thang”, cụ thể: số 3 hô là "Slam tỉm slam", số 4 là "Slế hồng slế", số 6 là "Loọc woáy loọc"... Những người chơi lâu, nhuần nhuyễn thì cách đọc thường có “đuôi”, các tiếng hô lên tựa như một bản nhạc hay mà họ tự sáng tác ra, rất dân dã và gần gũi, tạo niềm vui cho chính họ và những những người xung quanh. Anh Đinh Ích Trang (thôn 6, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo) hồ hởi tâm sự: “Vào ngày hội là cả làng chơi lày cỏ, thanh niên này thách đấu với thanh niên kia, những người xung quanh chứng kiến, cổ vũ và làm trọng tài, ai cũng vui”.
Nếu trường hợp không có ai làm trọng tài thì người chơi sẽ dùng bốn que đũa làm trọng tài; đũa chia đều cho mỗi bên, ai thua thì tự giác rút bớt một que và đưa cho người thắng. Rút hết bốn que là xong một hiệp, người được nhận hết là người thắng cuộc.
Điều quan trọng nhất của cuộc chơi lày cỏ là tạo ra không khí vui vẻ, sôi nổi, hào hứng giữa những người chơi và thể hiện bằng ý chí, sự khéo léo của bản thân để phân biệt phần thắng, thua. Đã chơi lày cỏ là phải có rượu đi kèm, mở đầu người chơi sẽ uống chén rượu thể hiện tình cảm của hai bên và báo hiệu bắt đầu cuộc vui. Khi chơi, người nào thua cũng sẽ chịu phạt uống rượu. Họ vừa uống rượu, vừa hò hét, đánh đố bằng tiếng Tày, Nùng khiến không khí ngày hội thêm sôi động.
Những người Nùng đang chơi trò lày cỏ trong lễ hội Thanh Minh tại xã Cư A Mung huyện Ea H’Leo. |
Trò chơi lày cỏ có thể kéo dài từ vài giờ đồng hồ đến vài ngày. Thế nên, sau cuộc vui thì người chơi nào mặt cũng phừng phừng, đi đứng liêu xiêu, nhưng họ thấy rất vui, bởi theo quan niệm của người Nùng, Tày, chàng trai nào chơi lày cỏ mà không hết mình, không say thì cuộc sống và tính cách cũng không phóng thoáng. Tuy nhiên, hiện nay người chơi chỉ uống rượu cho vui chứ không uống nhiều như trước.
Lày cỏ thu hút đông đảo già trẻ gái trai tham gia, nhất là vào những giờ giải lao khi làm đồng, những buổi tối sum họp và vào những ngày lễ hội… Dần dần, trò chơi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Khi cộng đồng hay gia đình có những cuộc vui thì không thể thiếu "lày cỏ" nhằm tạo không khí sôi động, thu hút người xem và hưởng ứng, tạo nên cái “chất” của lễ và hội. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, dù có nhiều trò chơi cũng như dịch vụ giải trí hiện đại phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhưng nét văn hóa dân gian "lày cỏ" vẫn được duy trì. Một số địa phương đã đưa lày cỏ vào giao lưu văn hóa và thi tài trong lễ hội. Đó chính là nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng không thể mất đi của người Tày, Nùng.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc