Cần thay đổi cách truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ
việc truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ luôn được các địa phương chú trọng, nhất là khi Di sản phi vật thể này được UNESCO vinh danh từ cuối năm 2005. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai, thực tế đã cho thấy có những bất cập cần được nghiên cứu và khắc phục.
Nỗ lực đầu tư
Từ năm 2006 đến nay, Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng” qua ba giai đoạn liên tục (2007 – 2010; 2011 – 2015; 2016 – 2020) với nhiều nội dung hoạt động đa dạng và phong phú. Trong đó việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ kế cận được quan tâm, đầu tư thích đáng. Theo ông Y Kô Niê, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL), qua ba giai đoạn trên, đã có gần 350 đội chiêng trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi truyền thụ, tính ra, bình quân cứ hai buôn làng thì có một đội chiêng trẻ. Đây là nỗ lực rất lớn về mặt thời gian, công sức cũng như kinh phí bỏ ra của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở 609 buôn làng trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát, đánh giá của ngành Văn hóa 15 huyện, thị xã và thành phố thì hầu hết các đội chiêng trẻ đã nắm bắt, trình diễn khá nhuần nhuyễn một số điệu chiêng, bài chiêng (cổ cũng như mới) được cha ông họ sáng tạo trong những năm gần đây. Không ít đội chiêng trẻ tiêu biểu ở các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Bông, Krông Pắc, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột… đã gặt hái thành công trong các kỳ Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng cấp huyện và tỉnh.
Đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) do nghệ nhân Y Thim Byă truyền dạy, hầu hết là người trong gia đình và dòng họ. |
Ngoài ra, theo đánh giá của một số nghệ nhân thành danh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như ông Y Míp, Y Pôh (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập), cụ Ama H’Loan, Y Suôn (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi) và Y Thim (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur) – những đội chiêng trẻ ở đây còn tự tin đứng ra thành lập các nhóm biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Phải công nhận rằng sự kế thừa vốn văn hóa cha ông của họ đã quá rõ ràng thông qua hoạt động biểu diễn cồng chiêng tại các kỳ lễ hội, liên hoan hay điểm du lịch trên địa bàn. Song, có điều khiến nhiều nghệ nhân lớn tuổi cũng như các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa băn khoăn: Vì sao lại xảy ra tình trạng các đội chiêng trẻ hoạt động không thường xuyên, bấp bênh và hay đứt quãng trong thời gian nhất định tại các buôn làng (?).
Thiếu bền vững
Theo ông Y Kô, câu hỏi trên đã phản ánh thực tế đáng quan tâm trong việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ thời gian qua và hiện nay. Có thể nói nguyên nhân dẫn đến yếu tố thiếu bền vững ấy là do trong quá trình thực hiện, chúng ta đã không chú trọng đến tính chất, cấu trúc và tổ chức xã hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Các nghệ nhân lớn tuổi buôn Ya (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) thẩm âm và chỉnh chiêng trước khi truyền dạy cho lớp trẻ. |
Bắt đầu từ chỗ, khi được truyền thụ cồng chiêng thì các em thường ở độ tuổi 13 – 18, sau khi trưởng thành và lấy vợ thì buộc phải chuyển cư theo tập tục của chế độ mẫu hệ, tức là người con trai phải về ở nhà bố mẹ vợ suốt đời; và chính sự chuyển cư theo tập tục ấy đã khiến hầu hết thanh thiếu niên (trước đó đã được học chiêng) trở nên bỡ ngỡ trước hoàn cảnh, môi trường sinh sống mới. Ở đó, một mặt họ khó hòa nhập với đội chiêng tại chỗ, mặt khác lại bị chia cách với đội chiêng cũ, khiến mối dây liên hệ bền chặt nhằm tái hiện đời sống cồng chiêng trẻ trong các buôn làng trở nên lỏng lẻo, thậm chí đứt gãy.
Nghệ nhân Ama H’Loan
|
Nghệ nhân Ama H’Loan cho rằng, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi đặt ra ở trên. Vì thế nên thay đổi hình thức tập hợp, truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội của các tộc người tại chỗ. Thay vì ngành Văn hóa đứng ra mở lớp và mời nghệ nhân đến truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên trên một địa bàn nào đó thì nên trao quyền ấy cho một dòng họ, đính kèm với hệ giá trị văn hóa do dòng họ đó tạo ra. Bởi về diễn tấu cồng chiêng (nhất là chiêng nghi lễ, tín ngưỡng), dòng họ nào cũng có những quy định riêng, người ngoài không dễ gì nắm bắt được; nên truyền dạy chiêng theo cách này chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều. Dù có rời khỏi buôn làng, cộng đồng mình để đến nơi khác, nhưng khi gặp người cùng dòng họ thì các cháu, các em vẫn dễ dàng hòa nhập với tiếng chiêng quen thuộc.
Ông Y Kô cũng như nhiều người am hiểu đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ tỏ ra đồng ý với đề xuất trên và họ chắc rằng, giải pháp đó không những góp phần hạn chế tình trạng bấp bênh, thiếu bền vững trong hoạt động diễn tấu cồng chiêng hiện nay của lớp trẻ, mà còn mở đường đưa vốn văn hóa cồng chiêng trở về với nơi chốn đúng nghĩa.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc