Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ hương rượu cần của người M'nông

07:33, 02/06/2018

Học mẹ làm rượu cần từ khi còn nhỏ song mãi đến năm 2015, chị H’Jih Niê (dân tộc M’nông), giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) mới bắt tay vào làm rượu cần. Tuy không quảng cáo rộng rãi nhưng vì chất lượng rượu của chị H’Jih làm ra rất thơm ngon, sạch sẽ, hình thức đẹp, giá cả phải chăng nên được nhiều khách hàng tìm đến mua.

 Khi Amí Rin (mẹ của chị H’Jih) còn sống, bà là một trong những người làm rượu cần ngon có tiếng ở buôn Khanh (xã Cư Pui). Bà thường làm cho mọi người trong gia đình, dòng họ uống mỗi dịp lễ, tết. Ngoài ra, bà cũng làm để bán cho những người trong buôn khi họ có nhu cầu. Từ khi mẹ mất, chị H’Jih quyết định tiếp tục giữ lại nghề làm rượu cần của mẹ. Kỹ thuật làm rượu cần được chị nắm vững nên chất lượng rượu rất ngon. Chị H’Jih chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã được mẹ hướng dẫn cách làm rượu cần và cách bảo quản để rượu giữ được lâu, không bị chua. Muốn làm rượu cần ngon, phải tìm mua men tốt, gạo ngon, nấu cơm không bị khô hay bị nhão, trấu phải khô và sạch. Đặc biệt, tỷ lệ trộn men phải phù hợp, không nhiều, cũng không quá ít; khâu giữ vệ sinh, bảo quản cũng rất quan trọng”.

hị  H’Jih Niê  kiểm tra  các ché  rượu cần  mới làm.
Chị H’Jih Niê kiểm tra các ché rượu cần mới làm.

Do hằng ngày phải đi dạy nên chị H’Jih chỉ tranh thủ làm rượu vào buổi tối và những ngày nghỉ. Rượu cần tiêu thụ nhiều nhất là vào dịp các gia đình trong buôn có việc như ma chay, bỏ mả, cưới hỏi, nhất là vào dịp tết. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, chị H’Jih đã làm 100 ché rượu cần để sử dụng trong gia đình và cung cấp cho khách hàng. Trước đây, khách hàng mua rượu cần chủ yếu là đồng bào M’nông trong buôn nhưng giờ đã có nhiều người từ các địa phương khác, kể cả người Kinh cũng đến mua về uống hoặc mua làm quà biếu. Rượu cần do chị H’Jih làm chủ yếu làm từ gạo, đựng trong những ché nhỏ 4 lít, 6 lít và 8 lít. Ai có nhu cầu đặt làm ché lớn thì chị mới làm.

Chị H’Jih dự định thời gian tới sẽ làm thêm rượu chuối mốc, rượu sắn, rượu ngô để cung cấp cho bà con. Chị cũng dự định đi học cách làm men rượu cần truyền thống của người M’nông do một số người già ở buôn Đắk Tuôr vẫn còn lưu giữ cách làm truyền dạy. Chị H’Jih nói: “Hiện nay gia đình tôi vẫn làm rượu bằng men mua nhưng là mua của người quen làm chứ không phải men xuất xứ từ Trung Quốc. Gia đình có 7 sào ruộng được cấy bằng giống lúa thơm để ăn và làm rượu”.

Dù bận rộn việc giảng dạy và phải dành thời gian chăm sóc gia đình song chị H’Jih Niê vẫn tâm huyết với nghề làm rượu cần truyền thống với mong muốn lưu giữ được mãi hương rượu cần của người M’nông, góp phần bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên.

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.