Multimedia Đọc Báo in

Trang sức của người Cadong

08:00, 10/06/2018

Từ lâu, trang sức bằng đồng, bằng bạc và cả những chuỗi cườm nhiều màu sắc… là sản phẩm sáng tạo văn hóa độc đáo của phụ nữ dân tộc Cadong.

Cũng như các dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, từ xa xưa, người Cadong đã biết tìm tòi những chất liệu sẵn có trong thiên nhiên hay thông qua trao đổi, buôn bán để có nguyên liệu làm đồ trang sức. Đối với người Cadong, trang sức vừa mang tính thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, trong các lễ hội…

Theo quan niệm của người Cadong, từ bao đời nay chiếc vòng đeo tay bằng đồng (cót), vòng bạc (niê) đeo ở tay, ở cổ chính là nơi ngự trị của thần trường thọ, no ấm, may mắn, được xem là vật hộ mệnh và nó trở thành người bạn tri kỷ, chứng kiến những bước thăng trầm trong cuộc sống mỗi người phụ nữ Cadong. Khi người phụ nữ trong gia đình qua đời, họ sẽ mang theo chiếc vòng đeo tay bằng đồng, vòng bạc đeo ở tay, ở cổ gắn bó nhất với cuộc đời mình sang thế giới bên kia. 

Phụ nữ Cadong  với trang sức bằng bạc  đeo ở cổ tay.
Phụ nữ Cadong với trang sức bằng bạc đeo ở cổ tay.

 Đặc biệt, những chiếc vòng này cũng là tín vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Cadong. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, ngoài những tặng phẩm truyền thống, họ hàng nhà trai cần chuẩn bị một chiếc vòng đeo tay bằng đồng, bạc để đôi bạn trẻ làm của hồi môn. Những vòng đồng và vòng bạc này là tín vật hôn nhân rất quý giá của các cặp vợ chồng người Cadong. Cũng vì giá trị của nó, người phụ nữ Cadong luôn căn dặn con cháu phải biết quý trọng, bảo vệ thứ của hồi môn này và xem đó là món quà cha ông để lại.

Thông thường, những người Cadong giàu sang, có quyền lực thường lùng tìm những chiếc vòng đồng, vòng bạc đẹp, độc đáo nhất để trưng diện. Thế nên, nhiều gia đình giàu sang sẵn sàng đổi cả con trâu để mua về chiếc vòng đồng, vòng bạc quý. Ngày nay, tuy giá trị vật chất đã giảm đi đáng kể nhưng chiếc vòng đồng, vòng bạc vẫn mang sức mạnh tinh thần rất lớn. Thực tế, nhiều phụ nữ Cadong lớn tuổi không bao giờ bỏ những chiếc vòng quý giá ấy ra khỏi người. Họ cho rằng, thứ trang sức này có hồn vía nên khi không đeo nữa, người cao tuổi sẽ rất dễ bị ốm đau. Bên cạnh đó, nếu ai dại dột cho người khác mượn thì sự sang giàu, quyền quý sẽ tiêu tan.

Phụ nữ Cadong với chuỗi cườm ở cổ, chuỗi đồng có gắn lục lạc.
Phụ nữ Cadong với chuỗi cườm ở cổ, chuỗi đồng có gắn lục lạc.

 Trang sức bằng cườm (prét kha luân) được xem là một trong những đặc điểm nổi bật của phụ nữ dân tộc Cadong. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau và có nhiều màu sắc nhưng màu  trội vẫn là màu xanh da trời và màu vàng được xâu thành chuỗi để phụ nữ đeo ở cổ. Ngoài trang sức bằng cườm ra, phụ nữ Cadong còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội.

Ngày nay, có dịp đến các bản làng của người Cadong ở hai huyện vùng cao Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam), không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Cadong lớn tuổi và thiếu nữ đeo trang sức. Mỗi dịp lễ hội, đám cưới, người phụ nữ Cadong thường lấy các loại trang sức được cất giữ ra giới thiệu với con cháu. Mỗi chiếc vòng đồng, vòng bạc, chuỗi cườm nhiều màu và cả dây đồng có đính lục lạc đều gắn với một câu chuyện về cuộc đời của mỗi người phụ nữ Cadong.

Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.