Nhìn lại 30 năm nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến sử thi M'nông
Cách đây 30 năm, vào năm 1988, tại xã Đắk Mon, huyện Đắk Mil (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) có một sự kiện văn hóa làm nức lòng giới nghiên cứu văn hóa dân gian: các nhà nghiên cứu, sưu tầm từ Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phát hiện ra sử thi Ot N’rông của dân tộc M’nông. Năm 2018 đánh dấu 30 năm phát hiện, nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến sử thi M’nông.
Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm ngỡ rằng dân tộc M’nông không có thể loại sử thi như các dân tộc láng giềng ở Tây Nguyên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người M’nông cũng có hình thức sử thi, nhưng tìm ra tên gọi bản địa nó là gì, hình hài của nó ra sao thì vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Cuối năm 1988, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Văn hóa dân gian tiến hành điền dã và đã phát hiện ra sử thi M’nông từ nghệ nhân Y Đon sống ở bon (buôn) Bu Dop, xã Đắk Mon, huyện Đắk Mil.
Nghệ nhân Điểu Thị Mai, con gái nghệ nhân Điểu Kâu đang dịch sử thi M'nông. |
Việc phát hiện sử thi M’nông rất có ý nghĩa về mặt văn hóa. Điều đó góp phần khẳng định “vùng loại hình văn hóa sử thi” ở Tây Nguyên, nơi đây có sự tương đồng về mặt văn hóa giữa các dân tộc anh em cùng chung sống. Trong vốn từ vựng của người M’nông: Ot có nghĩa là hát, hát kéo dài mãi không hết, còn N’rông là những câu chuyện xa xưa. Như vậy Ot N’rông là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa đầy màu sắc huyền thoại của tộc người M’nông.
Từ ngày phát hiện đến nay, đã có rất nhiều bài bản Ot N’rông được sưu tầm và công bố. Những sử thi M’nông đã kịp “trình làng” góp một gương mặt mới vào kho tàng văn học dân gian nước nhà như “Sử thi cổ sơ M’nông” (1993), “Ăn trâu - Tâm Nghết” (1994), “Sử thi thần thoại M’nông” (1995), “Gió xoáy Bon Trăng” (1996), “Tranh chấp bộ cồng của Sơm Sơ Kon Phan”, “Lêng đi giành lại Nring” (1997)… Thông qua Đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành, cùng với sử thi của các dân tộc khác, nhiều sử thi của dân tộc M’nông được sưu tầm, dịch thuật, xuất bản đã góp phần hệ thống hóa văn bản loại hình nghệ thuật dân gian này một cách đầy đủ, khoa học, giúp chủ nhân của vùng sử thi có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hành trong hoàn cảnh mới. Đáng kể nhất là sử thi M’nông cũng nằm trong số hơn 37 bộ sử thi đồ sộ của các dân tộc Tây Nguyên khác được sưu tầm, xuất bản sau khi thực hiện Đề án. Nhờ vậy, các tác phẩm sử thi Tây Nguyên đã có mặt trong hệ thống thư viện các cấp và các trường học, phục vụ cho công chúng, nhất là đồng bào Tây Nguyên, đưa sử thi trở lại với chủ nhân, cộng đồng mà sử thi được ra đời.
Sử thi Ot N’rông M’nông đã có một chỗ đứng vững vàng trong muôn ngàn tài sản quý giá của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vai trò của Ot N’rông trong cuộc sống của người M’nông rất quan trọng, nhất là trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa và giải trí của đồng bào. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu ở buôn làng. Người M’nông cho rằng Ot N’rông không những giúp hiểu biết về lịch sử tộc người mình, mà còn giúp con người làm việc bền bỉ và hăng say hơn.
Những lời thơ hồn nhiên, trong sáng của Ot N’rông là tiếng nói của cha ông để lại, góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Ot N’rông của người M’nông chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy từ lâu đời. Ot N’rông của người M’nông có giá trị xã hội hết sức quan trọng, nó chẳng những là ngôn ngữ giao tiếp thông thường hằng ngày mà vươn đến những vấn đề cốt lõi hơn của đời sống cộng đồng, đó là chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình; là những lời khuyên răn, giáo dục người đời, là cách đối nhân xử thế; là những chuẩn mực trong mối quan hệ xã hội; là những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc của con người trong lao động sản xuất, thời tiết, mùa màng…
Đối với người M’nông, Ot N’rông đã đi vào cuộc sống đời thường mỗi ngày như gạo rẫy, nước suối và ăn sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi người. Người M’nông ai cũng thuộc một số câu thơ trong Ot N’rông hay tên các nhân vật nào đó trong tác phẩm.
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực của các cá nhân và ngành chức năng trong việc nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến sử thi nhưng do thời gian và sự biến đổi của cuộc sống, sử thi M’nông cũng như các loại hình di sản văn hóa dân gian khác của các dân tộc Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một nhanh chóng. Những nghệ nhân giỏi sử thi như Điểu Kâu, Điểu Klưk đã mất từ lâu, chỉ còn nghệ nhân Điểu Klung cũng đã già yếu. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã quan tâm lập hồ sơ trình các cấp phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân Điểu Klung và một số nghệ nhân khác trong tỉnh... Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông cũng cần có sự tri ân, truy tặng những danh hiệu xứng đáng cho nghệ nhân đã quá cố. Các tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân thực hành diễn xướng, truyền dạy, đặc biệt là giúp đỡ các nghệ nhân trẻ, cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm ở địa phương có điều kiện tham gia sưu tầm, dịch thuật sử thi Ot N’rông.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc