Multimedia Đọc Báo in

Truyền "lửa" đam mê cồng chiêng cho lớp trẻ

07:56, 24/07/2018

Đều đặn vào mỗi buổi chiều, nhà văn hóa cộng đồng buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) lại vang lên những âm thanh réo rắt của đội chiêng trẻ. Đây là lớp truyền dạy đánh cồng chiêng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) tổ chức trong dịp hè này.

Lớp học đánh chiêng có 15 em được chia làm hai đội, tập luyện từ 17 đến 19 giờ hằng ngày. Do mới tập đánh chiêng nên khi đánh một số bài chiêng đôi lúc còn ngắt quãng nhưng các em đều chăm chú dõi theo từng động tác cầm dùi đến gõ nhịp của nghệ nhân. Em Y Thơm Knul bày tỏ: “Được nghệ nhân trong buôn trực tiếp hướng dẫn đánh chiêng cháu vui lắm. Cháu sẽ cố gắng đánh thuần thục các bài chiêng”.

Nghệ nhân Y Goh Niê hướng dẫn các em thiếu nhi buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin)  học đánh chiêng.
Nghệ nhân Y Goh Niê hướng dẫn các em thiếu nhi buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) học đánh chiêng.

Học viên nhỏ tuổi nhất của lớp là em Y Than Byă (năm nay mới 6 tuổi) nhưng chiều nào cũng xin phép mẹ để được học đánh chiêng với các anh chị trong buôn. Vì các em còn nhỏ (từ 6 đến 12 tuổi), lại lần đầu học đánh chiêng nên nghệ nhân Y Goh Niê quan sát kỹ từng động tác để từ đó hướng dẫn tỉ mỉ, kịp thời điều chỉnh cách cầm chiêng, cách giữ nhịp chiêng của từng em. Nghệ nhân Y Goh dặn dò học trò: “Các em phải tập trung, khi bạn này đánh được ba nhịp thì em mới vào nhịp đầu tiên…”.

Nghệ nhân Y Nguyên Knul (ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ nhân ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) hướng dẫn các em đánh chiêng.
Nghệ nhân Y Nguyên Knul (ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ nhân ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) hướng dẫn các em đánh chiêng.
 
“Các lớp học đánh chiêng là một hoạt động sinh hoạt hè bổ ích nhằm định hướng cho các em tự hào về giá trị văn hóa cồng chiêng, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là  “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tiếp tục vận động các địa phương mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng; cấp chiêng và trang phục truyền thống cho buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”. 
 
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL

Tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Pu Huê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin)  không khí học đánh chiêng cũng sôi động không kém khi các em nhỏ được nghệ nhân trong buôn truyền dạy những bài chiêng của dân tộc mình vào mỗi buổi chiều hằng ngày. Em Y Anh Êban cho hay: “Ông, bà em lúc nào cũng buồn vì thấy thanh niên mê nhạc trẻ, dần quên đi những tiếng cồng, chiêng của buôn. Khi có lớp truyền dạy cồng chiêng này em vui lắm. Em và các bạn sẽ cố gắng luyện tập, đánh thuần thục và sau này có thể truyền dạy lại cho các em nhỏ”

Trước đây, buôn Pu Huê cũng thành lập đội chiêng trẻ nhưng sau này, các em lớn lên, đi lấy vợ, làm ăn xa… nên đội chiêng trẻ vì thế cũng không còn. Đây là điều khiến những nghệ nhân cồng, chiêng của buôn rất lo lắng trong việc truyền dạy cho các em. Do đó  được Sở VHTT&DL quan tâm tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại địa phương, ông Y Nguyên Knul, nghệ nhân đánh chiêng của buôn Pu Huê nói trong niềm vui sướng: “Thấy nhiều em đã bắt đầu mê tiếng chiêng, tự giác đi học và rất hăng say luyện tập nên tôi vui lắm. Hy vọng sẽ được ngành Văn hóa mở thêm nhiều lớp học đánh chiêng cho các em nữa”.

Hai lớp dạy đánh chiêng trên đều do Sở VHTT & DL phối hợp với UBND huyện Cư Kuin mở trong dịp hè năm 2018. Năm nay ghi nhận một sự thay đổi của công tác bảo tồn cồng chiêng của tỉnh khi nhiều địa phương  trong tỉnh tổ chức nhiều lớp truyền dạy chiêng cho các em thanh thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nếu như năm 2017, các địa phương trong tỉnh chỉ tổ chức được 8 lớp học đánh chiêng, thì chỉ trong 7 tháng của năm 2018  đã mở được 14 lớp học đánh chiêng. Qua các  lớp học đánh chiêng đã khơi dậy phong trào học và sử dụng cồng chiêng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.