Multimedia Đọc Báo in

Mộc mạc chiêng tre giữa lòng phố thị

10:22, 25/08/2018
Chiêng tre (ching kram) - nhạc cụ đặc biệt của người Êđê không xa lạ với nhiều người, tuy nhiên được thưởng thức những giai điệu mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên ngay giữa lòng thành phố sẽ có những cảm nhận thú vị và khác biệt.
 
Quán cà phê Arul ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) hôm nay đông hơn thường ngày. Không chỉ có thực khách trong và ngoài tỉnh mà còn cả du khách nước ngoài đến tìm hiểu văn hóa Êđê. Và thật may mắn với những du khách phương xa đến quán đã được thưởng lãm màn trình diễn nhiều loại nhạc cụ Êđê (chiêng, chiêng tre, đinh năm, đinh puốt, đinh tặc tà) do các nghệ nhận đến từ buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn, đặc biệt du khách thực sự bị “hút hồn” bởi âm thanh từ những thanh tre, ống nứa.
 
Các nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn chiêng tre.
Các nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn chiêng tre.
Nghe và xem trọn vẹn nghệ nhân trình tấu ba bài chiêng tre “Chong chóng quay”, “Giai điệu Aray” và “Mưa đá”, chị Hoàng Thị Hạt, một giáo viên chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi vẫn đến quán cà phê Arul để thưởng thức cà phê, khám phá không gian độc đáo, đậm chất Êđê. Nhưng lần này thật ấn tượng, tôi và nhóm bạn đã được “chiêu đãi” một bữa “đại tiệc” âm nhạc Êđê, trong đó đặc biệt là âm thanh của dàn ching kram. Đã từng nghe chiêng tre trên truyền hình, nhưng hôm nay mới được “tận mắt, tận tai” thưởng lãm nghệ nhân diễn tấu, thật thú vị! Những ống tre và thanh tre lại có thể mô phỏng nhiều thang âm của cuộc sống, thiên nhiên”. Cô giáo Hạt cho biết thêm, gắn bó với Đắk Lắk gần 20 năm nên cồng chiêng đã trở nên thân thuộc, gần gũi, song mỗi lần nghe lại thấy bồi hồi, lâng lâng một niềm xúc cảm, nhưng cuộc sống bận rộn rất hiếm có thời gian rảnh rỗi để có thể thưởng thức trọn vẹn buổi biểu diễn hay giới thiệu về nghệ thuật chiêng. Tiết tấu sôi nổi, dồn dập như tiếng thác reo, gió thổi đã lôi cuốn người nghe đắm chìm vào một không gian văn hóa xưa cũ nhưng cũng rất đỗi hiện đại, để quên đi những bộn bề của cuộc sống.
 
Còn em Đặng Diệu Thảo (một học sinh) bày tỏ: “Lần đầu tiên em nghe những âm thanh này, rất lạ, độc đáo, lúc như tiếng gió đại ngàn, lúc như tiếng thác đổ, tiếng mưa rơi, lúc như lời hát ru… hoàn toàn khác với âm thanh của những nhạc cụ đã từng nghe. Em cũng muốn được một lần cầm những thanh tre để tạo ra âm thanh rộn ràng, vui tai”.
 
Du khách chăm chú xem các nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn chiêng tre.
Du khách chăm chú xem các nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn chiêng tre.
Không chỉ được thưởng thức chiêng tre, khách của cà phê Arul hôm ấy còn có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những nghệ nhân cồng chiêng ở buôn Kô Siêr để tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống của người Êđê. Nghệ nhân chế tác nhạc cụ Ama Kim (Đội cồng chiêng buôn Kô Siêr) cho hay, ching kram có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa Êđê. Được chế tác từ tre, nứa của núi rừng Tây Nguyên, mỗi chiếc ching kram có một thang âm thanh, cung bậc riêng. Dàn ching kram cũng có đầy đủ các tiết tấu âm sắc giống như bộ chiêng đồng. Tuy nhiên ching kram gần gũi hơn với đời sống bởi sự đơn giản của vật liệu, cách chế tác, diễn tấu... “Ngày xưa, chiêng tre chỉ gồm những thanh tre, âm nghe hơi bị “chát”, qua thực tế nghệ nhân đã đặt thêm một chiếc ống nứa ở phía dưới để cộng hưởng âm, nhờ đó chiêng tre mới có âm thanh ấm hơn, ngân hơn như hiện nay. Khác với cồng chiêng truyền thống, chiêng tre là nhạc cụ được đánh ngẫu hứng, được đánh bất kỳ ở đâu, mục đích là giao lưu, mở rộng quan hệ trong đời sống hàng ngày, không thuộc nghi thức của các lễ hội”, nghệ nhân Ama Kim cho hay.
 
Chính vì được đánh ngẫu hứng và âm thanh được mô phỏng cuộc sống, thiên nhiên nên chiêng tre gần gũi, dễ dàng cảm thụ, giúp người trình diễn và khán thính giả dễ dàng cộng cảm. Và càng trân quý hơn giữa cuộc sống hối hả, không ngừng đổi thay này vẫn còn những nghệ nhân say mê với âm nhạc truyền thống và vẫn còn nhiều người lắng lòng với tiết tấu, nhịp điệu vui tươi, rộn ràng và cũng rất mộc mạc giản dị của tre nứa.
 
Nguyên Hoa
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.