Tuổi trẻ huyện Cư Kuin nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống
08:44, 19/08/2018
Huyện Cư Kuin hiện có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 113 thôn, buôn trên địa bàn toàn huyện. Trong những năm qua, với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Nhiều buôn đồng bào Êđê thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên trong buôn; từ đó nhiều đội chiêng trẻ đã được thành lập, hình thành nên lực lượng nghệ nhân trẻ kế cận. Được truyền dạy cách đánh nhạc cụ truyền thống, nhiều thanh niên đã nhận ra cái hay, cái đẹp và say mê đánh chiêng, diễn tấu nhạc cụ; như anh Y Beny Sân Niê (buôn Jung, xã Ea Ktur) học cách đánh chiêng từ cha, hát Ayray từ mẹ và chị. Say mê văn hóa truyền thống, anh còn mày mò học thổi đinh năm, tích cực tham gia các cuộc thi thanh niên diễn tấu nhạc cụ của huyện.
Y Beny Sân Niê thổi đinh năm. |
Ở các thôn đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào, nhiều thanh niên cũng nỗ lực giữ gìn những nét văn hóa truyền thống mà ông bà, cha mẹ mình mang từ phía Bắc vào. Nhiều thanh niên người Tày, Nùng ở các thôn 4, thôn 5 (xã Cư Êwi) đã học và thường xuyên biểu diễn các làn điệu then, đàn tính. Điển hình như chị Tô Thị Sóng (29 tuổi, thôn 4, xã Cư Êwi) là một trong những thanh niên tiêu biểu giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, chị Sóng đã theo bà, theo mẹ tham gia các lễ, hội truyền thống; được bà, được mẹ dạy cách đánh đàn tính, hát then. Nhờ vậy, đến nay chị đã đánh thành thạo đàn tính, hát được những làn điệu then của dân tộc mình và thường xuyên biểu diễn đàn tính, hát then tại các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở địa phương.
Hằng ngày chị Tô Thị Sóng say sưa tập đánh đàn tính. |
Còn em Nguyễn Viết Tiến (thôn 12, xã Ea Ktur) say mê biểu diễn các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh bằng sáo trúc. Cả bố và mẹ không ai theo con đường nghệ thuật nhưng năng khiếu bẩm sinh cùng sự ham học hỏi đã đưa Tiến đến với cây sáo từ năm 11 tuổi. Tiến kể: “Một lần xem biểu diễn sáo trên ti vi, nghe tiếng sáo réo rắt, em thích quá nên tự tìm hiểu và mày mò học tập, từ đó càng học càng say mê. Mỗi khi có các chương trình văn nghệ của trường, của xã hay các hội thi của huyện tổ chức, em lại mạnh dạn tham gia biểu diễn”.
Em Nguyễn Viết Tiến với niềm đam mê sáo trúc. |
Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Cư Kuin có 50 đội chiêng, trong đó có 21 đội chiêng trẻ, 22 nghệ nhân chỉnh chiêng, 25 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 150 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 1 câu lạc bộ hát then - đàn tính với 15 thành viên. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tổ chức một lớp dạy đánh cồng chiêng trẻ ở xã Ea Ktur và một lớp dạy đánh đàn tính, hát then ở xã Cư Êwi…
Mỹ Hằng
Ý kiến bạn đọc