Multimedia Đọc Báo in

Về Quảng Ngãi vãn cảnh chùa Diệu Giác

08:12, 04/08/2018

Chùa Diệu Giác là một trong những ngôi cổ tự đươc xây dựng sớm nhất và có vai trò quan trọng trong lịch sử hoằng dương Phật giáo ở tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia năm 2000.

Chùa Diệu Giác tọa lạc sát phía tây quốc lộ 1A, thuộc thôn Phú Lộc (nên còn có tên dân gian là chùa Phú Lộc), xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP. Quảng Ngãi khoảng 20 km về hướng bắc.

Chùa ban đầu có tên là Viên Tông tự, được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch sắc tứ vào ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (1754). Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được đổi tên thành Diệu Giác tự vì kỵ húy (gần giống tên vua Nguyễn Phúc Miên Tông).

Về thời điểm dựng chùa, hiện chưa có tư liệu nào nói rõ. Có ý kiến dựa vào truyền thuyết trong dân gian cho rằng chùa được xây dựng vào năm Bính ngọ (1666) gắn liền với sự kiện công chúa Huyền Trân nhà Trần trên đường vào Bình Định làm dâu nước Chiêm Thành đã dừng chân tại đây. Hiện nay trong khuôn viên chùa vẫn còn một am nhỏ nằm chếch về phía nam chánh điện thờ Huyền Trân công chúa, người đã “nước non ngàn dặm ra đi”, phó thân mình vì giang sơn xã tắc.

Tam quan chùa Diệu Giác.
Tam quan chùa Diệu Giác.

Trong chùa Diệu Giác hiện còn lưu giữ một số văn bản chữ Hán giá trị ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến chùa. Theo đó, từ năm 1841 đến 1848, chùa đã trải qua ba lần trùng tu, sau đó đến nay, chùa trải qua nhiều lần tôn tạo khác. Do đó, kiến trúc của chùa hiện nay so với trước đây đã có nhiều thay đổi. Tuy vậy, chùa Diệu Giác vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm của ngôi chùa có lịch sử gần 400 năm.

Chùa Diệu Giác hiện nay có kiến trúc hình chữ “khẩu” (hình vuông). Từ tam quan đi vào khoảng 50 m là Đại hùng bảo điện được xây dựng khá bề thế. Phía sau và hai bên chánh điện là nhà tổ, nhà khách và nhà trù. Trong khuôn viên chùa, ngoài am thờ Huyền Trân còn có ba ngôi tháp cổ, là mộ của các vị trụ trì đời thứ nhất, đời thứ hai và đời thứ năm.

Là một trong các danh tự của Quảng Ngãi nên chùa Diệu Giác được nhắc đến trong nhiều bộ sử sách. Đại Nam nhất thống chí viết về chùa như sau: “Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn… Hồi đầu, bản triều có sắc cho tên Viên Tông tự, quy mô rộng rãi. Sau trải qua loạn lạc, chùa bị tàn phá. Đến lúc đại định, các tông đồ mới tu lại rất thịnh. Năm Thiệu Trị thứ nhất, đổi tên thành chùa Diệu Giác”.

Một điều đặc biệt ở Diệu Giác tự là các sư trụ trì của chùa qua các đời thuộc nhiều thiền phái khác nhau (như Thiệt Diệu Liễu Quán, Minh Châu Hương Hải, Minh Hải Bảo pháp…). Đây cũng là ngôi chùa có sự gắn kết với cộng đồng rất sâu đậm. Trong lịch sử của chùa, nhiều lần các hào lý và người dân làng Phú Lộc đứng ra khấu trình triều đình xin tôn tạo chùa (điều này còn được ghi lại trong các văn bia tại chùa). Những thời gian chùa không có chư tăng trụ trì, phật tử và nhân dân trong vùng đã thay nhau hương khói, coi sóc chùa. Hiện nay, chùa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân vùng Bình Sơn.

Diệu Giác tự là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Về xứ Cẩm Thành, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội vãn cảnh chùa Diệu Giác để có được những trải nghiệm thú vị giữa chốn thiền môn nơi ngôi cổ tự có từ gần 400 năm trước.

Tư Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.