Nỗ lực phát huy giá trị Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (Kỳ 2)
Việc công nhận Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích Quốc gia đặc biệt chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều quan trọng nhất đặt ra ở đây là công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích này sao cho xứng tầm, đáp ứng niềm mong mỏi của nhiều người.
Kỳ 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo hướng nào?
Cuối tháng 9-2018, Sở VH-TT-DL chủ trì cuộc họp để lấy ý kiến thống nhất từ các cơ quan, ban, ngành chức năng về việc khoanh vùng bảo vệ Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tất cả đều đồng ý phải bảo tồn nguyên trạng ban đầu, đặc biệt là khu vực lõi của di tích nằm trong bốn bức tường bao quanh có diện tích hơn 2.821 m2. Theo đó, từng bước giải phóng mặt bằng để mở rộng thêm hành lang theo các hướng Bắc – Nam – Tây – Đông từ 5 - 15 m tính từ chân bờ tường bảo vệ di tích, nhằm xây dựng các công trình phụ trợ, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch sau này.
Hệ thống cây xanh, bồn hoa và thảm cỏ trong khu vực lõi Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh, ý tưởng trên là hoàn toàn khả thi, bởi trong quá trình thực hiện sẽ không gặp trở ngại đáng kể nào nhờ sự đồng thuận của các bên liên quan. Cụ thể, phía Bắc của khu di tích giáp với Cơ quan Phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh (đường Nguyễn Công Trứ), phía Nam giáp với Trụ sở UBND phường Tự An và 1 hộ dân sinh sống, phía Tây (đường Tán Thuật) giáp Khu tập thể Sở VH-TT-DL và 26 hộ dân liền kề, còn phía Đông giáp với khu đất trắng thuộc Công ty Lương thực cũ, nay đã được UBND tỉnh thu hồi giao cho TP. Buôn Ma Thuột quản lý, trong đó có gần 1.300 m2 đất dành cho việc xây dựng hành lang bảo vệ di tích. Như vậy, ngoài sự thuận lợi này thì các cơ quan Nhà nước cũng như gần 30 hộ dân nằm trong hành lang dự kiến mở rộng di tích sẽ sẵn sàng hợp tác vì mục tiêu chung, miễn là có phương án đền bù hợp tình, hợp lý.
“Việc trồng quá nhiều, thậm chí là bừa bãi cây che bóng mát trong vùng lõi của Nhà đày Buôn Ma Thuột cần phải được xem lại, nếu không yếu tố lịch sử gốc cấu thành di tích sẽ không còn. Không gian xanh này nên đưa ra ngoài khu vực hành lang, phục vụ yêu cầu phát triển du lịch sau này”.
– Phó GS, TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
|
Điều đáng quan tâm nhất là vùng lõi của di tích với 3 dãy nhà (hình chữ U) cùng một số hạng mục, công trình kiến trúc khác được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, hiện đang bị hư hại, xuống cấp đáng kể do không đủ kinh phí đầu tư, tôn tạo. Bên cạnh đó thì vấn đề nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng lại “sự sống” cho di tích cũng gặp nhiều khó khăn và bất cập. Ông Trần Hùng, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết, dù đã rất nỗ lực (về mặt tài chính, thời gian cũng như công sức) trong nhiều năm qua, nhưng đến nay tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến di tích này vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm của khách tham quan. Được biết, cuối tháng 6-2018, Sở VH-TT-DL đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án tu bổ, tôn tạo và phát huy Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột với nội dung cụ thể, cấp bách như tôn tạo lại 6 nhà lao, dãy xà lim, cổng vào, sơn quét tường rào…, đồng thời tiếp tục sưu tầm, phục chế lại các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày tại khu di tích.
Đề án trên đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt và điều mà nhiều người mong đợi là trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích phải tuyệt đối tuân thủ theo yêu cầu của Luật Di sản, tránh để rơi vào tình trạng làm “trẻ và rẻ hóa” di tích như đã từng xảy ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Sự quan ngại này được TS. Lê Hồng Quý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học Phát huy giá trị Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột diễn ra vào trung tuần tháng 10 vừa qua: Khi nhìn vào hiện trạng di tích này, người ta có cảm giác mướt mát và dễ chịu như ở một khu resort nào đó hơn là nhà đày do hệ thống cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa và cả lối đi lại trong khuôn viên được chăm chút quá mức, khiến yếu tố lịch sử gốc của di tích biến mất (!?). Nhìn nhận này rất đáng được lưu ý trong những lần tu bổ, tôn tạo di tích trên theo đề nghị của sở chủ quản, bởi được biết qua hai lần trùng tu (vào năm 1992 và 2006) do Công ty TNHH Thiên Trường đảm nhiệm đã quá chú trọng đến các hạng mục, công trình trên (đáng ra không nên có) như TS. Lê Hồng Qúy đã phát hiện và chia sẻ.
Phó GS, TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phản biện thêm: Đã gọi là nhà đày thì ở đó phải thể hiện sự khốc liệt, dữ dội của nó không chỉ trong thiết chế cai quản hà khắc và tàn độc của kẻ thù, mà còn hiểu thêm ở góc độ không gian gốc của di tích: là tường rào, vọng gác, sân bãi, cảnh quan… vốn rất cam go, khắc nghiệt nhằm đày ải và khổ sai tù nhân cho đến chết. Do vậy, việc trùng tu, tôn tạo Nhà đày Buôn Ma Thuột nhất thiết không được bỏ qua các yếu tố này. Đây cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc phải có trong lý lịch, hồ sơ khoa học gửi Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc