Multimedia Đọc Báo in

Thêm cách làm hay để bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Buôn Ma Thuột

08:51, 24/10/2018

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột”, các ngành chức năng đã có nhiều việc làm, hoạt động nhằm khôi phục những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Riêng trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng, ngoài việc hỗ trợ các bộ chiêng cho một số buôn, mở các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ, mới đây Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố đã mở lớp truyền dạy năng lực đánh cồng chiêng cho các nghệ nhân tiêu biểu tại một số buôn. Mục đích của lớp truyền dạy này là nâng cao kỹ năng, cách đánh phổ quát và sắp xếp vị trí đánh trong đội chiêng, cách thức hòa âm những bài chiêng cơ bản để nghệ nhân có thêm kinh nghiệm mở các lớp dạy đánh chiêng trong buôn của mình.

Nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm (thứ hai từ trái sang) truyền dạy cách đánh cồng chiêng  cho các nghệ nhân.  Ảnh: T.Hồng
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm (thứ hai từ trái sang) truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các nghệ nhân. 

Nghệ nhân Y Bây Kbuôr (buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu) tâm sự: “Tham gia lớp học, tôi cảm thấy rất vui vì được mở rộng thêm sự hiểu biết của mình về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Ngoài việc được trao đổi các kỹ năng đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, tôi và các nghệ nhân khác đã học được cách truyền dạy bài bản hơn cho lớp trẻ ở buôn làng mình”. Còn với chàng trai trẻ Y Thu Êban (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur), dù đã biết đánh chiêng từ lúc còn nhỏ, có thể đánh được tất cả các vị trí trong đội chiêng, đã từng tham gia và biểu diễn ở nhiều hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh, nhưng lại không biết cách truyền dạy đánh chiêng. Theo Y Thu, việc biết đánh và dạy người khác đánh hoàn toàn khác nhau, bởi ngoài những kiến thức cơ bản nhất trong biểu diễn cồng chiêng từ cách đeo chiêng, cách kê tay trong lòng chiêng, tiếp xúc giữa bàn tay và bề mặt chiêng, phải làm sao để tạo ra những âm thanh trầm bổng đặc trưng của từng điệu chiêng. Hơn thế nữa, phải làm sao cho người học hiểu và thấm được điệu chiêng lẫn ý nghĩa của từng bài trong mỗi sự kiện khác nhau.

Quả thực, với các nghệ nhân, được tham gia lớp truyền dạy năng lực đánh chiêng là một niềm vui lớn bởi sau lớp truyền dạy này, họ có thêm vốn kinh nghiệm để mạnh dạn dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một. Bởi trên thực tế, không phải nghệ nhân biết đánh cồng chiêng nào cũng truyền dạy được. Đơn cử như ở buôn Ea Bông hiện vẫn còn một số nghệ nhân biết đánh cồng chiêng nhưng không có ai có thể truyền dạy một cách bài bản.

 

"Ngành Văn hóa sẽ  tiếp tục mở các lớp truyền dạy năng lực đánh cồng chiêng cho nghệ nhân để thế hệ trẻ có nhiều cơ hội được đội ngũ nghệ nhân truyền dạy, nâng cao khả năng đánh chiêng. Từ đó, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thành phố”.


 
 Ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột

Do đó, vào giữa tháng 6-2018, khi Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột mở lớp dạy đánh chiêng cho các em thanh thiếu nhi của buôn phải mời nghệ nhân ở buôn khác đến dạy. Nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm (phường Ea Tam) - người truyền dạy năng lực đánh cồng chiêng cho các nghệ nhân chia sẻ, nghệ nhân được xem là giỏi thì ngoài việc đánh được nhiều bài chiêng còn phải đánh được nhiều vị trí trong dàn chiêng. Còn muốn truyền dạy và để cho thế hệ trẻ dễ tiếp thu thì người dạy phải có năng lực, khả năng về sử dụng cồng chiêng ở trình độ cao. Trong khi đó, thực tế những nghệ nhân đánh được cồng chiêng trên địa bàn thành phố khá nhiều nhưng có thể làm “thầy” lại rất ít. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột thì trên địa bàn hiện còn 36 nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, nhưng trong đó khoảng 80% không biết cách truyền dạy cồng chiêng .

Trong thực tế, nguồn nhân lực đánh chiêng, biết chế tác và sử dụng một số nhạc cụ truyền thống đang thưa thớt dần. Qua khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 80% buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng một cách cơ bản; 100% buôn đều có nguyện vọng được hỗ trợ truyền dạy đánh chiêng và hát múa dân gian cho các hạt nhân nòng cốt theo hình thức quay vòng để có các thế hệ nghệ nhân nối tiếp. Hy vọng rằng, với những gì được học, các nghệ nhân sẽ giúp lớp trẻ ở các buôn làng, địa phương có thêm niềm đam mê, hứng thú với cồng chiêng, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.