Chuyện về đời cây di sản trăm tuổi
Hai cây long não được trồng tại Biệt điện Bảo Đại đã có tuổi đời cả thế kỷ, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản quốc gia vào năm 2014. Đây là một trong những cây long não lớn nhất Việt Nam và có hình dáng đẹp tự nhiên. Với tuổi đời như vậy, 2 cây đã gắn với nhiều nhân vật và những biến động lịch sử.
Theo ghi chép tại bảng chỉ dẫn của cây thì vào năm 1914, viên công sứ Pháp Leopold Sabatier về nhận chức ở Đắk Lắk đã xây dựng Tòa đại lý Quận trưởng (nay là Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại) và cho trồng nhiều loại cây xanh trong khuôn viên theo cách đối xứng như: Trắc diệp bạch, Sao đen… Trong đó, 2 cây long não được trồng ở hố sâu 2 m, rộng 4 m2, đến lúc cây cao khỏi mặt đất khoảng 2 m thì được bấm chồi và lấp đất để có tán rộng, đẹp, có 2 tầng rễ nhằm tăng tuổi thọ và làm cây đứng vững hơn. Ngoài ra, cặp cây long não còn gắn với Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, đã có một thời gian làm việc tại đây, sau đó hằng năm vẫn thường ghé lại để nghỉ ngơi và săn bắn.
Cơ quan chức năng chặt hạ cây long não bị chết khô. |
Không chỉ gắn với nhân vật lịch sử, với vẻ đẹp tự nhiên, lại nằm ở một vị trí đặc biệt, cây long não gắn với kỷ niệm của nhiều thế hệ người dân sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Nó được biết đến như niềm tự hào về sự mát lành, tươi tốt, vững chãi, thậm chí nhiều du khách còn xem cây như biểu tượng của một vùng đất, hễ đến Buôn Ma Thuột là lại vào Biệt điện để được ngắm cây long não, chụp hình và giới thiệu cho bạn bè xa gần. Anh Huỳnh Mạnh Dũng (40 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi gắn bó với mảnh đất này và cây long não. Còn nhớ ngày chia tay cuối cấp 3, cả lớp đã cùng nhau ra Biệt điện chơi, vây quanh cây long não và chụp ảnh, hay những buổi ngoại khóa, đều chọn ngồi dưới gốc cây này để vui đùa…”.
Nhưng rồi cây đã không còn tỏa bóng. Theo Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường (gọi tắt là Công ty Môi trường) thì cây có dấu hiệu bị bệnh dẫn đến khô và chết cành dần từ năm 2016, nguyên nhân là do việc bê tông hóa tuyến đường xung quanh đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ cây, một số rễ bị chặt đi nên dẫn tới nhiễm khuẩn toàn thân. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Môi trường phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cùng Thạc sĩ Nguyễn Anh Kết (người đã từng mang lại sự hồi sinh cho cây Đa Tân Trào tỉnh Thái Nguyên) đưa ra phác đồ điều trị cho cây. Theo đó, từ ngày 15-2 đến tháng 8-2017, cây đã được chữa trị nhưng đến tháng 9-2017, bệnh tình vẫn không có thuyên giảm, tiếp tục khô hết các cành và cuối cùng chết hoàn toàn, buộc phải chặt hạ để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, để lại trong lòng nhiều người sự luyến tiếc về một cây đại cổ thụ hiếm có. Khoảng thời gian chục ngày cây được chặt hạ, nhiều người dân đã đến ngắm nhìn thân cây, ghi lại những khoảnh khắc và nhớ lại những kỷ niệm. Những bạn trẻ đi học xa nhà, không có điều kiện để chứng kiến tận mắt cũng nhờ bạn bè chụp ảnh để xem.
Gốc cây long não chết khô đang để tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Tuy đã dừng tỏa bóng, nhưng cây long não vẫn được lưu giữ. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu (Giám đốc Bảo tàng tỉnh) cho hay, phần thân, cành cây được dùng chế tác các tác phẩm có giá trị như thuyền độc mộc, ghế Kpan và những sản phẩm văn hóa dân tộc để bổ sung vào bộ trưng bày của bảo tàng. Có lẽ, đây cũng là một cách để người dân và du khách biết đến cây long não theo một cách riêng.
Tiếp đó, nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 23-11-2018 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng với đơn vị chức năng đã trồng lại cây long não tại địa điểm này sau khi đã xử lý các yếu tố kỹ thuật để cây phát triển tốt.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc