Đặc sắc Lễ hội Bunpimay ở Buôn Đôn
Liên tiếp trong 6 năm (2013 – 2018), Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Buôn Đôn tổ chức cho cộng đồng người Việt gốc Lào ở huyện Buôn Đôn được đón Tết Bunpimay theo phong tục cổ truyền.
Lễ hội Bunpimay ở Buôn Đôn cũng có nhiều hoạt động phong phú như: lễ đọc kinh mừng năm mới, nghi lễ tắm Phật; nghi lễ cầu vía, buộc chỉ tay, thả hoa đăng và đắp tháp cát. Người dân và du khách tham dự còn được thưởng thức những tiết mục dân ca Lào hòa với những điệu múa truyền thống của đồng bào xứ sở Triệu Voi; xem phim, biểu diễn ca nhạc với nội dung ca ngợi mối tình hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam – Lào.
Múa lăm vông tại Lễ hội Bunpimay ở Buôn Đôn. |
Trong tiếng Lào, Bun là “hội”, Pi May là “năm mới”. Bunpimay – Hội năm mới là hội lớn nhất trong năm của các bộ tộc Lào. Bunpimay còn được gọi là “Bun hốt nậm” – Hội té nước, được tổ chức định kỳ hằng năm vào giữa tháng 5 Phật lịch, tức là tháng 4 dương lịch, trong ba ngày từ 13 đến 15-4 hoặc từ 14 đến 16-4 (tùy theo năm), giống như Tết Nguyên đán của người Việt. Thực chất ngày hội này là mừng đón mùa mưa, đón nước của đồng bào, hay còn gọi là ngày hội tắm Phật, vì đó là một trong những nghi thức quan trọng mở đầu ngày hội. Các hoạt động trong ngày Tết để cầu mong mưa gió thuận hòa mang lại sự tươi mát cho vạn vật và ấm no hạnh phúc cho mọi người. Để chuẩn bị mừng năm mới, người Lào lau rửa nhà cửa bằng nước với ý nghĩa tống tiễn năm cũ và trang trí lại nhà cửa đón mừng năm mới. Người Lào giã gạo, xay bột để làm các loại bún, bánh truyền thống như bánh đa khoai, bánh rán... làm rượu nếp, nấu rượu mạnh đồng thời chuẩn bị cả thức ăn dâng lên chùa và tiếp khách. Thanh niên nam, nữ vào rừng hái hoa về làm nước thơm để tắm Phật; trang trí nhà cửa và cài lên mái tóc của các cô gái Lào. Họ thích những loại hoa có hương sắc gần gũi với thiên nhiên.
Sau khi sắm sửa đầy đủ mọi thứ để chuẩn bị đón tết, chiều ngày 14-4, khi nghe một hồi trống chùa, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất, đậm bản sắc dân tộc nhất mang theo những âu nước thơm hoặc mâm hoa quả, bánh trái lên chùa dự lễ tắm Phật. Trong lễ hội, sau khi nghe đọc kinh, mọi người bắt đầu té nước cho Phật, cho tăng lữ, cho người già trong bản, sau đó té nước cho khắp mọi người – kể cả những người không quen biết.
Người Lào quan niệm nước là yếu tố quan trọng mang lại sức sống mãnh liệt cho vạn vật, muôn loài nên ai càng ướt nhiều càng sung sướng, tự hào vì chứng tỏ được nhiều người quý trọng và sẽ gặp nhiều điều may mắn trong năm mới. Trong lễ hội, người Lào còn có tục buộc chỉ cổ tay, ai được buộc nhiều chỉ thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Trong ngày lễ Bunpimay còn nhiều nghi lễ được tổ chức thực hiện thống nhất ở các bản Lào. Các buổi sáng con cháu dâng cơm, biếu quà ông, bà, cha, mẹ; để đáp lại, các cụ cũng mừng con cháu bằng những gáo nước thơm và những lời chúc, lời khuyên bảo chí tình. Trong ba ngày tết, người Lào ít tổ chức ăn uống linh đình mà chủ yếu đi thăm hỏi lẫn nhau, vui chơi tập thể. Hầu hết vào những buổi tối của Tết Bunpimay, từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng tổ chức múa hát tập thể, biểu diễn những bản trường ca, những tác phẩm văn vần nổi tiếng trong văn học cổ điển Lào bằng những làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà. Vào xế chiều của ngày cuối Tết Bunpimay, các sư cầu kinh cho mọi người sang năm mới có nhiều phúc đức, hanh thông mát lành.
Việc tổ chức Tết Bunpimay trong những năm qua ở Buôn Đôn khiến cộng đồng bà con người Việt gốc Lào trên địa bàn tỉnh vô cùng phấn khởi, hào hứng. Ngày lễ hội này đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch đến với vùng đất Buôn Đôn.
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc