Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ cúng ché của người Êđê

08:59, 28/12/2018
Đối với dân tộc Êđê, nếu cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng và giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc. Do đó mỗi khi nhà có ché mới thì cần phải làm lễ cúng báo với thần linh...

Không chỉ với người Êđê mà đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, ché được xem là một tài sản quý; ngoài việc dùng như một vật dụng trong nhà như đựng rượu cần, nước… thì ché còn được xem như một “bảo bối” có ý nghĩa trong những dịp quan trọng. Đơn cử như ché là một phần sính lễ trong cưới hỏi hay vật phẩm phải đền bù khi xử phạt, làm quà biếu, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người... Ngoài ra, ché còn là một lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ như mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa.

Gia chủ ngồi nghe thầy cúng (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng ché.
Gia chủ ngồi nghe thầy cúng (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng ché.

Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà lễ cúng ché không còn diễn ra thường xuyên và đang dần bị mai một. Hiểu được giá trị của ché trong đời sống của người Êđê và yêu cầu cấp thiết của việc tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện phục dựng lễ cúng ché của người Êđê tại buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk.

Theo lời thầy cúng Y Rung Krơs thì tập tục chung của người Êđê là sau khi đưa một chiếc ché quý về nhà, gia chủ phải tổ chức cúng nhập gia cho ché với ý nghĩa muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui, từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Nếu như vì một lý do nào đó mà gia đình không sử dụng ché nữa (bán hoặc cho đi) thì cũng phải làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt; nếu không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.

Lễ vật để cúng ché bao gồm: 1 con heo thiến, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Nhất định phải có cây xoan, vì đây được xem là vật kết nối giữa con người là thần linh. Trong nhà dài, cây cột rượu được dựng lên và trang trí với đủ màu sắc, hoa văn sặc sỡ bên cạnh là 3 ché rượu cần lớn được buộc cố định vào 3 cây cột rượu bằng những sợi dây rừng. Đội chiêng của buôn sẽ tấu lên bài chiêng đón khách để mời bà con, anh em, họ hàng gần xa đến tham dự.

Ché được đeo vòng, chuỗi với ý nghĩa ché đã được cúng nhập gia.
Ché được đeo vòng, chuỗi với ý nghĩa ché đã được cúng nhập gia.

Thầy cúng bắt đầu làm lễ khấn mời thần núi thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cho phép gia đình được tổ chức lễ cúng; sau đó là nghi thức cúng cho ché với lời khấn: “Ơ dân làng buôn Tai, các Yang (thần linh) gần, Yang xa, Yang trên cao, Yang dưới thấp, các Yang đều đã đồng ý để gia đình tổ chức cúng cho ché. Gia đình dù có khó khăn, vất vả, cũng đã tiết kiệm, tích góp để mua được ché quý về ủ rượu cúng Yang. Ơ thần ché, gia chủ hôm nay tổ chức lễ đón ché Tang về nhà, xin được thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ, từ nay về sau gia đình sẽ coi ché như con cái trong nhà, được đối xử tử tế… vì thế, mong ché hãy chung sống vui vẻ, lâu dài, hòa thuận, đầm ấm và giúp đỡ các thành viên trong gia đình”. Ché sẽ được thầy cúng đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào cổ và tai với mục đích làm đẹp, được đối xử như con người.

Cuối cùng chính là nghi thức cúng cho chủ ché, xin thần linh ban cho chủ nhà sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, để có thể mua được nhiều ché tốt hơn nữa… Nghi thức kết thúc, đại diện gia đình cảm ơn họ hàng, bà con buôn xa, buôn gần đã tới tham dự và mời mọi người ở lại dùng cơm, uống rượu mừng cho gia chủ đã sắm được ché quý.

Việc phục dựng nghi lễ cúng ché của người Êđê đã góp phần nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.

Từ ngày 28-12-2018 đến 20-02-2019, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Ché trong đời sống của người Êđê tại Đắk Lắk” nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng, du khách bộ sưu tập ché của người Êđê hiện đang lưu giữ tại đây.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.