Multimedia Đọc Báo in

Mùa săn sùng đất của người Cơ Tu

10:07, 26/12/2018
Hằng năm, khi những cơn mưa cuối mùa và những trận lụt đã dứt (vào khoảng tháng 12), đồng bào Cơ Tu ở miền núi phía tây Quảng Nam lại rủ nhau từng đoàn đi theo các triền suối để tìm đào sùng đất về nấu ăn.

Theo già làng Đinh Văn Bớt (72 tuổi, thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam), người Cơ Tu gọi sùng đất là cơdal. Sùng đất có thân hình bằng ngón tay út người lớn, màu trắng ngà, hoặc trắng xanh, hoặc vàng. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, hoặc ven các sườn đồi, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi.

Hằng năm đến vụ đông xuân, khi nông dân miền núi cày đất nà (bãi, biền ven suối) tỉa đậu, có người mang giỏ lẽo đẽo đi theo sau đường cày để nhặt sùng đất về nấu ăn. Sùng đất chuyên cắn, ăn rễ hoa màu như đậu, ngô… nên bắt chúng vừa để bảo vệ hoa màu sau này vừa có chút đặc biệt để bồi dưỡng và nhâm nhi vào buổi chiều. Đồng bào Cơ Tu đào sùng đất rất nhanh nhẹn. Khi đào được, tay phải nắm đầu, tay trái dùng móng tay xé khúc cuối da đuôi ra và dùng tay phải rảy mạnh, phần ruột đen sẽ văng ra ngoài, phần còn lại trong lớp vỏ mềm là chất dịch như sữa đặc, tương tự chất dịch trong con nhộng. Kết thúc buổi đào, họ mang giỏ sùng xuống suối rửa rạch.

Đôi vợ chồng già người Cơ Tu thưởng thức món sùng đất.
Đôi vợ chồng già người Cơ Tu thưởng thức món sùng đất.

Ông Trần Văn Cước (60 tuổi) là “chuyên gia” đào sùng đất ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: “Người Cơ Tu nơi đây nhìn cây, cỏ trên mặt đất nơi có con sùng đất ở bị héo úa hoặc chết là xác định loài con này đã và đang ăn, cắn đứt rễ của cây cỏ hoặc nơi nào có heo rừng ủi thì nơi đó có nhiều sùng đất, bởi vì mũi heo rừng rất thính và heo rừng rất khoái ăn loại con này. Tuy nhiên, khi đào trên đồi thì toàn loại con nhỏ do đất đồi thiếu dinh dưỡng. Muốn bắt những con lớn (cỡ ngón tay cái) thì phải đào ở các bãi bồi ven suối, ven khe…”.

 Theo già làng Bớt, ăn sùng đất rất ngon, thịt ngọt đậm như thịt gà. Người Cơ Tu cho rằng đây còn là vị thuốc bổ thận, tráng dương, chữa chứng yếu sinh lý, đau lưng, khớp, nhức mỏi tay chân, chân run mắt mờ… Vì vậy, từ xa xưa, những đàn ông Cơ Tu quý tộc có nhiều của cải thường nhiều vợ, và để đáp ứng nhu cầu “nhiều vợ”, họ cho người thường xuyên đi đào sùng đất về dùng.

Sùng đất.
Sùng đất.

Quả thật, theo các thầy thuốc Đông y, con sùng đất từ xa xưa đã được các thầy thuốc liệt vào danh sách các loại dược liệu với công dụng làm cho các đấng nam nhi “yêu” mãnh liệt hơn. Khi đào lấy sùng đất, rửa sạch, ngâm vào nước sôi khoảng 15 - 20 phút, rồi vớt ra đem phơi hoặc sấy khô thì sẽ trở thành một loại dược liệu có vị mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí chữa chứng yếu sinh lý, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Liều dùng hằng ngày từ 10 – 20g dưới dạng hoàn tán hoặc rượu ngâm.

Sùng đất được người Cơ Tu chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như nướng trực tiếp hoặc quấn lá lót nướng chín trên than hoa. Người ta còn bắc xoong lên bếp cho nóng, cho sùng đất đã rửa sạch để ráo vào khuấy đều, mỡ từ thân nó tươm ra, đủ để “rang” chín... Những món này ăn kèm với các loại rau rừng như cải trời, lá lành ngạnh, lá bứa non, lá lót… vừa thơm vừa chát nhẹ. Sùng đất um với đọt non thiên niên kiện là món ăn truyền thống, hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu nhằm làm tăng cường công dụng của sùng đất.

Hương vị của các món từ sùng đất khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt, không giống các món ăn thường gặp nên người ăn rất ghiền. Không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, người già, trẻ con quây quần thưởng thức ...

Tiên Sa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.