Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam

10:16, 08/12/2018

Đến Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), bên cạnh việc chiêm ngưỡng những danh lam, thắng cảnh thơ mộng, bạn nhớ tham quan chùa Linh Phước – một địa điểm tâm linh thú vị ở thành phố ngàn hoa.

Chùa Linh Phước có tên dân gian là chùa Ve Chai (vì trong sân chùa có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc), tọa lạc tại địa chỉ 120 Tự Phước, phường 11, TP. Đà Lạt.

Chùa được khai sơn vào năm1949 và hoàn thành năm 1950. Đến năm1990, chùa được các phật tử, nhà hảo tâm đóng góp, trùng tu lại và xây dựng thêm nhiều hạng mục, công trình mới.

Đây là một ngôi chùa rất nổi tiếng của Đà Lạt và cả nước bởi sở hữu đến 11 kỷ lục Việt Nam, gồm: Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36 m); tượng Phật Quán Thế Âm bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam; tượng Đạt Ma sư tổ bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; tượng Quán Thế Âm Bồ tát 18 m, đạt kỷ lục châu Á; tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; ngôi chùa sử dụng vật liệu bằng miếng sành nhiều nhất Việt Nam; gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam; có bộ phản dài 15 m bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; “Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam; bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam; công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Kiền Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300 m).        

Chùa Linh Phước.
Chùa Linh Phước.

Du khách, người hành hương đến với chùa Linh Phước, sau khi dâng hương bái Phật, sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc vô cùng công phu, độc đáo. Đầu tiên, ta tham quan chánh điện và Tiền đàn bảo tháp: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu một có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn".

Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bêtông cốt thép, bên ngoài thếp vàng, phía sau là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ sinh động, phong quang. Có hai hàng cột rồng khảm mảnh sành sứ dọc theo chánh điện; bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện phía trên chạm khắc những bức tranh về điển tích kinh Adiđà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa; phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ đề Đạt Ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng, sống động làm du khách phải kinh ngạc, thán phục!

Tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37 m là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu một còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999), cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Toàn bộ ngôi tháp trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu … từ mái đến vách trong ngoài, cầu thang, bao lơn, cột cửa đều khảm sành rất công phu, tinh tế bằng hàng chục vạn miểng sành sứ từ Bát Tràng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. Bên phải chùa là khu vực nội viện. Ngôi nhà tăng là nơi sinh hoạt của chư tăng gồm ba tầng, trên cùng là Tịnh Đường và ao sen bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là các phòng cho tăng chúng. Chính giữa nhà là phòng khách lớn và thư viện của chùa. Trước sân nhà tăng là tháp mộ của Hòa Thượng Thượng Quang và hoa viên tươi mát cùng bức phù điêu sơn thủy sống động.

Ấn tượng mạnh mẽ, gây “sốc” cho khách tham quan là khi thâm nhập “Chín tầng địa ngục” khám phá 18 cửa ngục của Âm phủ. Mỗi cảnh ngục đều có tranh hoặc tượng mô tả rất sống động cảnh “tù nhân tội lỗi” bị trừng phạt rất ghê rợn do đã gây ra ác nghiệp trên trần gian. Đi qua một quãng đường khá dài trong bóng tối âm u, mờ ảo, khi thoát lên mặt đất, hít thở không khí “dương gian”, nhìn thấy mặt trời, cỏ cây, khách hành hương sẽ thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy trân quý hơn cuộc sống này!.

Là công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc, đậm đà bản sắc Á Đông, hằng năm chùa Linh Phước đón tiếp rất đông du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước đến lễ bái và tham quan.    

Đặng Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.