Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách
Đến nay các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk đã nhận thức rõ những gì họ cần làm, nhất là trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng điểm đến để xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến thăm thú, trải nghiệm với vùng đất giàu bản sắc này.
Điển hình như Buôn Đôn, hầu hết các đơn vị làm du lịch ở đây đã nỗ lực xây dựng và triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút, giữ chân du khách. Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương - Bản Đôn cho rằng, muốn hấp dẫn du khách thì phải có sản phẩm khác lạ so với nơi khác. Vì vậy, khu du lịch này đã tạo ra một số điểm nhấn khác biệt - ngoài dịch vụ câu cá, bơi thuyền trên hồ Cư Minh, xe ngựa thổ mộ dưới tán rừng, dạo chơi trong vườn hoa hướng dương tràn ngập sắc vàng… còn có các điểm nhấn mà du khách không thể bỏ qua như vườn tượng điêu khắc dân gian Tây Nguyên, bảo tàng tín ngưỡng các dân tộc thiểu số với đầy đủ hiện vật (vật thể cũng như phi vật thể) cùng nhiều hoạt động mô phỏng, tái hiện sinh động các nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo, tiêu biểu của cộng đồng người tại chỗ. Còn Công ty TNHH Du lịch Văn hóa - Sinh thái Thanh Hà, Công ty Du lịch - Sinh thái Bản Đôn, Trung tâm Dịch vụ - Du lịch Sinh thái và Giáo dục môi trường Yok Đôn… cũng đã hoàn thiện, mở rộng trung tâm nghỉ dưỡng khá lý tưởng cho du khách tại thác Bảy Nhánh, thường xuyên tổ chức tour khám phá và cắm trại trong rừng Yok Đôn kỳ vĩ.
Rừng Yok Đôn sở hữu nhiều danh thắng tuyệt đẹp, thích hợp cho du lịch trải nghiệm. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Văn hóa - Sinh thái Thanh Hà
|
Đặc biệt là sản phẩm du lịch có liên quan đến voi bước đầu được tổ chức, khai thác theo hướng bền vững hơn. Ông Vũ Đức Giỏi, Trung tâm Dịch vụ - Du lịch Sinh thái và Giáo dục môi trường Yok Đôn nhận xét: Trước đây, chủ sở hữu đàn voi nhà tham gia làm du lịch (chủ yếu là chở khách) để được ăn chia phần trăm, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên - chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng voi trong ngày, hoặc theo tour được định trước. Chủ voi nào tham gia nhiều lượt/ngày thì có thu nhập cao, ngược lại thì thu nhập thấp - và cũng chính vì lợi ích trước mắt này khiến các chủ voi đua nhau tận dụng sức lực, thời gian để kiếm tiền, bất chấp mọi điều kiện, rủi ro gặp phải trong quá trình sử dụng voi, khiến đàn voi nhà ở đây nhanh chóng suy giảm về mặt sức khỏe cũng như số lượng cá thể. Đến nay, tình trạng này dần được khắc phục nhờ mối liên kết trong kế hoạch tổ chức, lịch trình sử dụng voi hợp lý hơn giữa các đơn vị làm du lịch dựa trên tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau của các bên (cộng đồng - doanh nghiệp - quản lý Nhà nước) để hướng tới việc bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà hiện có; đồng thời xây dựng, khẳng định thương hiệu du lịch voi bền vững cho vùng đất Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc