Multimedia Đọc Báo in

Chóe trong đời sống đồng bào M'nông, Êđê, Mạ

07:11, 13/01/2019

Chóe là vật dụng truyền thống từ lâu đời dùng để ủ rượu cần hay cất giữ của quý và là vật không thể thiếu trong các nghi lễ… ở từng gia đình, dòng họ, bon/buôn của người M’nông, Êđê, Mạ.

Chóe thường có dáng miệng ve tròn, thân phình lớn và thon dần về đáy, được làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men hoặc để mộc. Người M’nông gọi ché là Yăng, người Êđê gọi là Chéh, người Mạ gọi là Đrắp và Jăng.

Đối với người M’nông, Êđê, Mạ, chóe có nhiều loại và mỗi chiếc lại có tên gọi riêng. Cách gọi tên của chóe có thể theo màu sắc, hoa văn, kiểu dáng, hay những con vật được trang trí trên thân chóe. Những chiếc chóe quý có khi lại được gọi tên theo chủ hay tên một dòng họ, một sự kiện liên quan… Trong đó, người M’nông, Mạ có chóe quý như là Yăng (Jăng) R’lung, người Êđê có chéh Túc… Ngoài ra, chóe “mẹ bồng con” (trên vai có gắn 1 - 4 chóe nhỏ) là một trong những loại chóe đặc biệt quý hiếm, những chóe quý có khi phải đổi tới 4 - 5 con trâu đực trưởng thành hoặc thậm chí là một con voi,…

Chóe được trưng bày tại Bảo tàng Kon Tum.
Chóe được trưng bày tại Bảo tàng Kon Tum.

Từ xưa tới nay, người M’nông, Êđê, Mạ không tự sản xuất được chóe dùng để ủ rượu cần… mà dùng các nông lâm sản để trao đổi cho các tộc người khác từ miền xuôi, mua lại của các thương lái hay đổi những bộ chiêng và những thổ cẩm có giá trị để lấy chiếc chóe quý. Cho nên, chóe trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ không chỉ đơn thuần là vật dụng để đồng bào ủ rượu cần mà còn là một loại tài sản có giá trị cùng với chiêng, trống, nồi đồng…, là vật biểu trưng cho sự giàu có, đẳng cấp, địa vị của mỗi gia đình, dòng họ (gia đình giàu có sở hữu lên 40 - 50 chiếc).

Người M’nông, Êđê, Mạ trọn một vòng đời người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi về với tổ tiên đều gắn liền với chiếc chóe. Khi còn sống, chóe gắn bó mật thiết với con người qua các sinh hoạt lễ hội, lễ nghi, cúng tế thần linh, vật gia truyền trong gia đình, là tài sản quý dùng làm của hồi môn cho con trai đi lấy vợ, con gái đi "bắt" chồng. Khi chủ nhân chết đi thì chóe cũng được “chia của” theo người về với cõi vĩnh hằng. Theo phong tục của người M’nông, Êđê, Mạ, cha mẹ thường chia của cho các con gái, người nuôi dưỡng cha mẹ (thường là con gái út).

Ngày nay, chóe vẫn luôn hiện diện trong từng gia đình, dòng họ, bon/buôn. Lễ hội nào cũng có chóe rượu cần làm vật tế thần linh. Điều đó đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ chóe và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc M’nông, Êđê, Mạ nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Đoàn Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.