Multimedia Đọc Báo in

Du xuân trên đỉnh trời La Pán Tẩn

10:12, 26/01/2019
La Pán Tẩn là vùng đất xa xôi của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của một trong tứ đại đỉnh đèo vùng Tây Bắc, đèo Khau Phạ. Cái tên La Pán Tẩn gợi cho những người ưa khám phá vẻ đẹp Tây Bắc biết bao tò mò về một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên đỉnh trời.

Để đến được La Pán Tẩn, du khách phải trải qua một hành trình dài từ Hà Nội, ngược tuyến đường Yên Bái - Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải.

Những ngày này, La Pán Tẩn đã vào xuân. Vùng đất này như khoác lên mình tấm áo mới của mùa xuân. Con đường dẫn vào trung tâm xã, các bản Hmông phải qua những cánh rừng đại ngàn với những ngọn núi cao sừng sững. Trên lối đi, hoa rừng đua nở với muôn loài hoa, trong đó đẹp nhất vẫn là hoa ban, gợi lên sắc màu Tây Bắc.

Đứng trên mỏm núi trông xuống thung lũng ruộng bậc thang ngắm cảnh thì thật lý tưởng. Mùa này tuy không còn lúa nhưng ruộng bậc thang nơi đây vẫn đang rạo rực sức sống. Những đường viền uốn lượn quanh triền núi, quanh ngọn núi mâm xôi đẹp tựa như một bức họa. Sắc màu của cỏ non đang nhú trong màn sương giăng mắc gợi lên sức sống tươi non của mùa xuân. Ruộng bậc thang La Pán Tẩn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia năm 2007.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn tựa như mâm xôi giữa đỉnh trời Khau Phạ.
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn tựa như mâm xôi giữa đỉnh trời Khau Phạ.

Trên những bản Hmông lưng chừng núi, không khí mùa xuân đã về tự bao giờ. Những căn nhà gỗ bình yên, vững chãi hòa trong tiết trời se sắt lạnh gợi lên bức tranh cuộc sống ấm áp nơi sơn thẳm. Những ngày lập xuân, tiết trời có ấm áp hơn, hoa mơ, hoa mận và hoa đào bung nở khắp không gian núi rừng, bản làng khiến không khí tràn ngập hương vị mùa xuân.

Những ngày giáp Tết, không khí đón xuân trở nên náo nức ở những bản Hmông. Đồng bào nơi đây rủ nhau xuống chợ sắm tết, các thiếu nữ Hmông ngồi quây quần bên những mỏm đá thêu thùa váy áo diện tết. Bên những căn nhà, những chiếc váy sặc sỡ với những họa tiết, đường viền tinh xảo được mang ra phơi. Trẻ con trong các bản đã quây quần bên sân nhà đánh quay, đánh pao, các gia đình thì chuẩn bị tắm rửa cho công cụ lao động, dán giấy màu cho dụng cụ nghỉ ngơi sau một mùa lao động vất vả.

La Pán Tẩn trong không khí mùa xuân như một thế giới riêng mang đậm sắc màu Tây Bắc. Buổi chiều, làn sương giăng mắc khiến cho không gian trở nên mờ ảo. Đêm đêm, tiếng gà rừng gáy eo óc trên những khu rừng già, tiếng suối chảy róc rách càng gợi lên vẻ hoang sơ và thơ mộng của vùng đất này. Bên những ngôi nhà, bếp lửa bập bùng, làn khói bếp lan tỏa gợi lên sự ấm áp và sức sống của con người nơi vùng đất xa xôi này.

Hoa đào bung nở bên chân rừng La Pán Tẩn.
Hoa đào bung nở bên chân rừng La Pán Tẩn.

Du xuân ở La Pán Tẩn, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đất trời khoáng đạt và trong trẻo. Thả bộ trên những con đường mòn ngắm hoa đào, hoa mơ nở trắng rừng, những đồi sơn tra đang trổ hoa trắng toát, những vạt hoa cải đang bung nở vàng bên triền núi. Bạn có thể nghỉ qua đêm tại những bản làng Hmông nơi tràn ngập không khí chơi xuân với tiếng sáo gọi bạn đêm đêm. Từ La Pán Tẩn, du khách có thể dạo chơi ở các vùng lân cận như Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình – nơi phong cảnh cũng rất đẹp và thơ mộng. Tại La Pán Tẩn đã có dịch vụ nghỉ homestay với giá phòng ngủ tập thể là 90.000 đồng/phòng, phòng riêng giá 250.000 đồng/phòng.

Rong ruổi giữa đất trời mùa xuân La Pán Tẩn, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc như khau nhục, gà đen, thịt sấy gác bếp, cá nướng, măng rừng, rượu ngô, bánh chưng, xôi cẩm...

Nguyễn Thế Lượng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.