Multimedia Đọc Báo in

Về Gò Công thăm lăng Hoàng Gia

08:14, 20/01/2019

Gò Công là tên một vùng đất cận biển gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông, trước đây là một tỉnh riêng, ngày nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng đất có khá nhiều di tích văn hóa - lịch sử bởi nơi đây là quê mẹ của vua Tự Đức nhà Nguyễn là bà Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị) - bậc mẫu nghi thiên hạ nổi tiếng đúc độ, nghiêm khắc.

Lăng Hoàng Gia là di tích lịch sử tọa lạc tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), ngày nay thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại vua Tự Đức, thân sinh bà Thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ).

Theo ông Võ Thành Sơn, quản lý Khu di tích Lăng Hoàng Gia cho biết, dòng họ Phạm đã sống lâu đời ở đất Gò Công. Vào cuối thế kỷ thứ 16, ông Phạm Đăng Long (cha ông Phạm Đăng Hưng) theo cha vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Quy), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Quy nên quy tập mồ mả ba đời về đây và xây nhà ở gò đất này.

Khu di tích Lăng Hoàng Gia.
Khu di tích Lăng Hoàng Gia.

Ông Phạm Đăng Hưng là con thứ ba của ông Phạm Đăng Long, sinh ra tại Gò Sơn Quy vào năm 1764. Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri. Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Nhân dân thường gọi là Phạm Đăng Hưng là ông "Ba Bị" vì lúc làm “Điền tuấn quan” đi đâu ông cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phân phát cho nông dân nghèo những khi thiên tai, hạn hán, bão lụt.

Vua Minh Mạng rất khâm phục tài đức của Phạm Đăng Hưng nên đã kết thành thông gia hai lần với ông: gả công chúa cho Phạm Đăng Thuật (con trai Phạm Đăng Hưng) và phong tước Phò mã đô úy; cho thái tử Miên Tông (vua Thiệu Trị) kết duyên với con gái ông Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ).

Năm 1825, Phạm Đăng Hưng bị bệnh mất tại Huế, được vua Minh Mạng thăng hàm “Vinh lộc đại phu, trụ quốc hiệp biên, đại học sĩ, thụy trung nhã” và đưa về an táng tại Sơn Quy. Lăng mộ Phạm Đăng Hưng tọa lạc trên một gò cao có dáng mu rùa, mộ xây theo tam cấp, tứ trụ, diện tích hơn 800 m2. Tương truyền thi thể Phạm Đăng Hưng được chôn ngồi. Trước mộ có tấm bia đá Cự Thạch. Nội dung khắc trên bia nói về chức tước được phong và công đức của Phạm Đăng Hưng.

Năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc công đã cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình. Trong nhà thờ có đặt nhiều biển đại tự để thờ: Gian chính giữa thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng; gian tả thờ ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng; gian tả ngoài cùng thờ ông Phạm Đăng Tiên (cố); gian hữu thờ ông Phạm Đăng Dinh (nội); hai cuối bên hữu thờ ông Phạm Đăng Khoa (sơ).

Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn mang đậm phong cách truyền thống dân tộc qua các mảng chạm khắc trên mộ và trang trí bên trong nhà thờ bằng những điển tích rút ra từ “tứ linh, tứ quý” theo quan niệm phong thủy của người Á Đông. Toàn bộ nhà thờ nằm trọn trong khuôn viên mát mẻ, có khá nhiều  sứ đại cổ thụ, hoa lá cảnh vật bao bọc theo kiểu không gian nhà vườn xứ Huế.

Qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, thời gian, những hiện vật của di tích Lăng Hoàng Gia ngày nay không còn nhiều, chỉ còn lại một số ít  như: Bia đá trong phần mộ Phạm Đăng Hưng; 7 biển đại tự sơn son thiếp vàng, trên khung có chạm tứ quý được làm vào thời Thành Thái; khám thờ Phạm Đăng Hưng sơn son thiếp vàng chung quanh chạm tứ linh, tứ quý.

Hiện nay một số  con cháu, hậu duệ của ông Phạm Đăng Hưng vẫn còn sinh sống tại Sơn Quy. Khu lăng mộ Hoàng Gia đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; là di tích có ý nghĩa quan trọng gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng.

Lăng Hoàng Gia được xây dựng năm 1926, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, là ông ngoại Vua Tự Đức. Ngày 2-12-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng Gia là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 

Đặng Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.