Ngất ngây men rượu ngâm trong ché cổ
Đến Đắk Lắk, du khách đã từng nghe, thưởng thức men rượu cần - đặc sản của vùng đất, con người nơi đây. Song sẽ tuyệt hơn nữa nếu du khách uống thử loại rượu ngâm trong ché cổ cùng với các loại cây thuốc quý trong rừng.
Một dịp đến buôn Ako Dhong (cuối đường Trần Nhật Duật, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi được bà Lê Thị Lý, chủ quán Cà phê Tâm An Viên mời uống thử một loại rượu ngâm trong ché cổ. Vừa mời khách, bà Lý cho biết, ý tưởng tạo ra loại rượu này rất tình cờ. Là người sở hữu hàng nghìn ché cổ quý hiếm, bà Lý vừa trưng bày giới thiệu văn hóa cho khách tham quan, vừa làm đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Trong quá trình dùng ché đựng nước uống, bà Lý để ý thấy nước đựng trong ché càng lâu càng trong vắt, nước có vị ngọt như một loại nước khoáng. Bà liền nghĩ đến việc tận dụng nguồn ché cổ để ủ rượu.
Bà Lý tâm sự, từng được thưởng thức rượu cần ngâm trong ché cổ của đồng bào Êđê, M’nông, Ja Rai… trong thời gian vào buôn làng sưu tầm chiêng, ché nên bà rất ấn tượng. Tuy nhiên số lượng rượu ngâm trong ché cổ rất hiếm vì ché cổ rất có giá trị (đổi bằng trâu, bò), chỉ những nhà giàu có mới sở hữu được. Họ chỉ dành loại rượu quý này để cúng Yàng (thần linh) vào các dịp lễ hội, gia đình có việc quan trọng… nên không phải ai cũng được thưởng thức.
Bà Lý bên những ché rượu cổ. |
Bà Lý chọn ngâm rượu với các loại thuốc quý trong rừng như: chuối hột rừng, cây kỳ tử, cây khúc khắc, nấm linh chi rừng, hoa vô thường... Những mẻ rượu đầu, bà để gia đình, bạn bè uống thử. Ai uống cũng khen rượu ngon, thơm lừng vị thuốc, đặc biệt chất cồn trong rượu giảm hẳn nên rất dễ uống. Bà Lý chia sẻ, để tạo ra loại rượu này không hề đơn giản. Đầu tiên, các vị thuốc ngâm phải có nguồn gốc rõ ràng, bà thường nhờ đồng bào tại chỗ am tường cây thuốc vào rừng sâu tìm; tiếp đến là rượu ngâm phải được tinh nấu từ gạo nếp thơm với nước lọc. Rượu ngâm trong ché cổ không cần chôn sâu dưới đất nhưng phải đặt ở hầm tối, hạn chế ánh sáng, không khí lọt vào, tránh ẩm mốc; từ khi ngâm đến khi đem ra sử dụng cần hạn chế việc mở nắp, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị của rượu. Sau nhiều lần điều chỉnh nồng độ rượu, lượng cây thuốc phù hợp, bà Lý đã cho ra loại rượu vừa ngọt, vừa cay, thanh nồng rất dễ chịu.
Rượu ngâm từ các vị thuốc có màu đỏ hồng, sóng sánh như mật ong. |
Rượu ngâm trong vòng một năm là uống được. Muốn rượu đậm đà thì ngâm lâu thêm. Cái hay của ché cổ là không làm mất mùi vị rượu. Bởi ché cổ được nung rất kỹ càng, men ché nhẵn bóng, sít đặc, ngăn không khí lưu thông nên rượu ngâm trong ché cổ để càng lâu càng ngon. Khi mở nắp rượu ra, ta sẽ thấy có một lớp men vi sinh bám quanh thành bụng ché, màu rượu đỏ hồng, khi lắc sẽ sóng sánh như mật ong. Rượu lấy trong ché ra lạnh như ướp đá, nếu người dùng muốn ấm bụng, có thể đun nóng lên để uống. Rượu ngâm càng lâu chất cồn sẽ mất dần nhường chỗ cho vị ngọt của các vị thuốc rừng nên không gây đau đầu, không bào ruột, phụ nữ, người già đều có thể dùng.
Bên cạnh rượu cần truyền thống, sự ra đời của rượu ngâm từ các cây thuốc quý trong ché cổ sẽ tạo thêm hương vị rượu độc đáo cho những ai muốn thưởng thức men rượu Tây Nguyên.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc