Multimedia Đọc Báo in

Áo dài lưu giữ hồn Tết Việt

19:43, 05/02/2019

Những ngày đầu Xuân, thấp thoáng trên những nẻo đường, vườn hoa, công viên… ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô gái xúng xính trong tà áo dài nhiều màu sắc. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, tà áo dài góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống và nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Vẻ đẹp áo dài ngày Xuân

Với nét đẹp dịu dàng, duyên dáng mà sang trọng, áo dài không chỉ được chị em mặc trong những dịp lễ trang trọng mà ngày càng có nhiều người chọn làm trang phục vào mỗi độ Tết đến Xuân về.

Các thiếu nữ trong tà áo dài cách tân tạo dáng cùng hoa Tết.
Các thiếu nữ trong tà áo dài cách tân tạo dáng cùng hoa Tết.

Những năm gần đây, các cửa hàng thời trang, các sạp vải trở nên nhộn nhịp hơn bởi nhiều người mua vải may áo dài Tết. Chị Thủy, chủ tiệm vải ở chợ C TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Ngay từ cuối tháng 10 dương lịch, shop đã nhập vải áo dài để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay do nhu cầu diện Tết và chụp ảnh lên cao nên trên thị trường xuất hiện nhiều mẫu áo dài mới lạ. Các nhà thiết kế áo dài Xuân cũng cho ra nhiều mẫu mã, chất liệu và kiểu dáng đa dạng với những gam màu chủ đạo như: đỏ, xanh, hồng, tím, vàng.... Trên những tà áo dài, những họa tiết đời thực thường thấy như cành đào, hoa mai, chim muông, cỏ cây thể hiện không khí mùa xuân, hoặc những con chữ may mắn như “Phúc”, “Lộc” cũng được thêu thanh mảnh trên tà áo dài với mong muốn sẽ có một năm mới sung túc, bình an.

 

Giữa muôn vàn chiếc đầm xinh xắn, lạ thay khi thấy tà áo dài theo chân người dân xuống phố là đã thấy mùa xuân về. Khi khoác lên người chiếc áo dài, ai cũng trở nên dịu dàng, nhẹ nhàng hơn và đẹp một cách rất riêng mà không có một chiếc đầm nào thay thế được.”

 

 
Chị Đặng Thanh Vân

Cô giáo Đặng Thanh Vân, ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Bình thường khi đi dạy mình vẫn hay mặc áo dài. Nhưng mỗi dịp Tết đến, mình cùng nhóm bạn lại rủ nhau mua vải may áo dài Tết để chụp ảnh ở hội hoa xuân và đi lễ chùa ngày mồng Một Tết. Mặc áo dài ngày Tết càng thấy mình đẹp hơn, góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt”.

Sự trở lại của văn hóa truyền thống

Đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề may áo dài trên mảnh đất Tây Nguyên, ông Phùng Quốc Khánh, chủ Nhà may áo dài Huế (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: những năm gần đây, khi đời sống của người dân ngày càng sung túc, nhiều người có nhu cầu quay trở về với vẻ đẹp truyền thống, thích mặc áo dài du xuân, đi lễ chùa, chúc Tết ông bà… Tết năm nào cũng vậy, ông Khánh cũng tự tay thiết kế bộ sưu tập áo dài dành riêng cho gia đình và khách hàng khi có nhu cầu. Theo ông Khánh, áo dài ngày nay được cách tân xinh xắn, dễ mặc nhưng vẫn giữ được đường nét mềm mại.

Gia đình ông Phùng Quốc Khánh mặc áo dài do chính ông thiết kế.
Gia đình ông Phùng Quốc Khánh mặc áo dài do chính ông thiết kế.

Ủng hộ việc mặc áo dài truyền thống trong dịp Tết, chị Lê Thị Hồng Hạnh, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Khi đất nước ta ngày càng phát triển, càng hòa nhập cả về kinh tế và văn hóa hiện đại thì việc mặc áo dài trong dịp Tết là một tín hiệu đáng mừng”.

Với nhiều người, sự xuất hiện của tà áo dài trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho thấy sự trở lại của một giá trị truyền thống. Giữa không gian tưng bừng của phố phường trong những ngày Tết, giữa sắc mai đào nở rộ thấp thoáng vẻ đẹp thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài càng làm cho bầu không khí mùa xuân thêm rộn ràng tươi vui hơn. 

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.