Multimedia Đọc Báo in

Điều khác biệt của chiếc trống Hgơr Êđê

22:31, 13/02/2019

Mùa hội lễ theo gió xuân về trên cao nguyên đất đỏ, gọi mời những dàn ching (chiêng) cất tiếng ngân nga ngợi ca cuộc sống đầy nắng, đầy gió của đại ngàn. Hễ ching lên tiếng, là không thể thiếu nhịp điệu ấm áp, chắc khỏe của những chiếc trống lớn. Ching, trống như những anh chị em thân thiết trong ngôi nhà sàn Tây Nguyên. Tộc người nào có ching là có trống.

Trống thuộc nhóm màng rung trong bộ nhạc cụ dân gian, là một vật dụng không thể thiếu song hành cùng mọi dàn ching-chêng của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Nhưng có lẽ, trong hệ thống trống của Tây Nguyên chỉ có chiếc Hgơr của tộc người Êđê, J’Rai là có hình dạng lớn nhất. Đường kính của chiếc trống loại nhỏ nhất cũng chỉ ngắn hơn hoặc bằng một cánh tay (80 - 90 cm). Chiếc trống được đề là “da voi” trong nhà trưng bày văn hóa Tây Nguyên ở Tòa giám mục Kon Tum có kích thước 110 x 0,90 cm.

Vì là trống đại, nên có âm lượng lớn, âm thanh ấm. Phía trên mặt da quay ra ngoài để đánh có treo một chuỗi Ring riâo (lục lạc), có nơi còn đeo cả những chiếc Ching Hdang (chũm choẹ) nhỏ thành một vòng cung. Mỗi khi đánh, mặt trống rung lên, lục lạc, chũm choẹ  liên tục tạo nên tiếng kêu lanh canh hòa với âm vang của trống như một bản hòa âm nhiều bè làm nôn nao tâm trạng con người.

Cách làm trống:

Nếu người miền xuôi làm trống thường xẻ gỗ thành từng mảnh, uốn cong rồi  ghép lại,thì cách làm các loại trống ở Tây Nguyên khác ở chỗ đều bằng nguyên những đoạn gỗ lớn nhỏ được khoét rỗng, sau đó tùy theo kích thước lớn, nhỏ mà bịt hai đầu bằng da trâu, da bò hoặc da dê.

Trống h’gơr là nhạc cụ gắn bó với đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.
Trống h’gơr là nhạc cụ gắn bó với đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Theo thạc sỹ Lý Vân Linh Niê Kdăm, trống Hgơr là một trong những loại nhạc cụ thiêng. Để làm trống, phải tổ chức một nghi lễ cúng Yang lớn với vật hiến sinh phải là trâu. Người Êđê quan niệm rằng: muốn âm thanh của trống được vang, được ấm thì bắt buộc phải bịt mặt trống bằng da trâu đực và da trâu cái. Mặt da trâu cái quay vào trong, không bao giờ được dùng để đánh. Mặt da trâu đực quay ra ngoài là để đánh. Trên mặt này còn treo một số lục lạc nhỏ làm màu âm.

Vật liệu để làm trống là những thân gỗ tốt như Sao, Lim...; hai tấm da trâu và những chiếc đinh làm bằng tre già. Từ một đoạn thân gỗ dài khoảng 1 m, bằng phương pháp vừa dùng rìu  khoét vừa đốt, người Êđê tạo nên một thân trống ở giữa hơi phình to hơn hai đầu. Trong lòng trống không khoét rỗng toàn bộ, mà còn để lại một mảng gỗ nhỏ hình trăng khuyết, để làm đối trọng bên dưới khi đặt trống lên giá hoặc lên đầu kpan.  Sau đó dùng bộ da của hai con trâu đực và trâu cái để bịt hai đầu trống. Hai tấm da này phải là nguyên bộ, vẫn còn nguyên lông. Khi bịt xong kín mặt và thân trống thì mới cắt những phần thừa xung quanh như chân, đầu và xén bớt lông đi... Độ rộng của hai tấm da phải đảm bảo đủ để bịt kín cả thân trống, rìa của hai mặt da giáp nhau ngay giữa thân trống.Thường người làm trống phải tính toán chính xác để da không bị thiếu hoặc bị thừa quá nhiều. Trước khi bịt trống, người thợ phải ngâm da trong nước 1,2 ngày cho da mềm ra, dễ cắt.

Sau khi đã căng khít mặt và thân trống, da được dùi, ghim vào thân trống bằng những đoạn tre ngắn chừng bằng ngón tay cái ngay sát mặt trống ở cả hai đầu. Tiếp tới hai hàng những chiếc đinh tre sát cạnh, giữ cho mặt trống thật thẳng căng. Và thêm 4 hàng nữa tại hai đầu da giáp nhau ở khoảng chính giữa thân trống, song song, đều nhau.  Những hàng đinh tre này được đóng một cách cẩn thận, không chỉ ghim chặt da vào mặt và thân trống mà còn trở thành phần trang trí cho thân trống. Trống căng xong, phải phơi ngoài chỗ mát nhiều ngày, để khô và thẳng căng, rồi tiếp tục khoét một lỗ nhỏ chừng lớn hơn hạt bắp ở mặt da trâu đực (xỏ mũi cho trống), làm cho âm thanh phát ra ấm và không bị tức tiếng.

Chiếc trống thiêng có chiều dài 1,2m - 1,4m thường chỉ những gia đình tù trưởng lớn của vùng (kring) mới có.

Dùi để đánh trống là hai đoạn gỗ tròn dài khoảng 20 đến 25 cm, đường kính khoảng 4 đến 5 cm.

Khác với nhiều tộc người ở Tây Nguyên đeo trống nhảy múa cùng dàn ching chêng, thuộc loại diễn tấu động, Ching Char Êđê là diễn tấu tĩnh nên trống Hgơr có một vị trí cố định trên ghế Kpan, kẹp giữa vách nhà và cây cột thứ 2 (kmeh) của gian khách. Muốn đưa trống ra khỏi nhà cũng cần phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép rồi mới được mang ra. Ở trong nhà không bao giờ được đặt trống ở bất cứ một vị trí nào khác.

Trống của người Ba Na trong ngày hội.
Trống của người Ba Na trong ngày hội. Ảnh: Thế Nhân

Trống Hgơr được sử dụng hòa tấu với dàn ching Knah, trong vai trò như một nhạc trưởng báo ngừng nghỉ. Ở những lúc giai điệu ching dồn dập và khi báo hiệu kết thúc bài ching, trống Hgơr sẽ được đánh 3 hồi, mỗi hồi 5 tiếng.

Trống Hgơr còn được sử dụng để thông báo tin khi gia đình có người qua đời (ba hồi trống, mỗi hồi 3 tiếng). Ngày nay hầu như gia đình nào còn ghế Kpan, còn ching, còn trống Hgơr đều vẫn tuân thủ các quy định trên.

Người Êđê còn dùng trống H’gơr múa Tung khăk trong một số lễ cúng lớn. Trống được đặt chênh chếch trên một cái giá thấp hình vòng cung. Nghệ nhân cầm hai chiếc dùi trống, hoặc hai thanh nứa đập dập một đầu, vừa nhảy vừa đánh vào tang trống hoặc mặt trống. Ngoài điệu múa Khil khi làm lễ rước Kpan, vùng Êđê Mthur còn có điệu múa Pah Hgơr (vỗ trống) sử dụng Hgơr tap mniê (trống nhỏ) nhưng không đánh bằng dùi mà vỗ tay vào mặt trống tạo âm thanh, nhịp điệu để múa. Hiện nay Hgơr tap mniê không thấy còn múa nữa.

Chỉ những nhà giàu có Kpan, có dàn ching char rồi thì mới được làm trống Hgơr, có thể cùng một lúc với làm Kpan. Trống càng to càng chứng tỏ gia đình đó giàu có. Mỗi gia đình chỉ có một trống Hgơr. Nó cũng được xem như một tài sản quý.

Trống có mặt tại hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên với những tên gọi khác nhau, nhưng luôn luôn song hành cùng sự diễn tấu của các dàn ching-chêng và vòng múa chuang. Tuy nhiên, ở các dân tộc khác, trống lớn chỉ được bịt da ở hai mặt, còn loại trống bịt da toàn thân, nhất là trống bịt da hai trâu đực cái và có hình thức sử dụng nghiêm ngặt thì chỉ có ở người Êđê.

Đa số các tộc người ở Tây Nguyên và miền núi Trường Sơn đều có loại trống tương tự. Có thể coi như đã và đang tồn tại một tập hợp các loại trống nhỏ bịt da bò, da dê, hoặc da các loại thú móng guốc ở các dân tộc thiểu số  trong khu vực.

Lại một mùa xuân mới về trên cao nguyên. Hy vọng ở các bon, buôn, kon, plei vẫn còn có những âm thanh rộn ràng của trống ching-chêng cất lên trong những chiều sương bảng lảng hay những đêm trăng xanh ngắt bầu trời xuân Tây Nguyên.

H'Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.