Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo hội đổ giàn đấu võ cướp heo ở Bình Định

16:25, 05/02/2019

Ngày xưa, cứ vào dịp rằm tháng bảy hoặc Tết Nguyên đán, người dân huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) lại về làng võ An Thái dự lễ đổ giàn đấu võ, cướp heo, xem hát bội và những cuộc tranh tài giữa các môn phái võ cổ truyền ở Bình Định cũng như các địa phương lân cận…

Địa danh An Thái từ lâu đã đi vào văn học dân gian ở tỉnh Bình Định. Đất An Thái là một trong những cái nôi của võ Bình Định. Chính anh em nhà Tây Sơn - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng danh tướng Võ Văn Dũng đã từng đến học võ ở đây trước khi lên Tây Sơn thượng đạo khởi nghiệp.

Với vị trí giao tiếp thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ, khoảng đầu thế kỷ 17 đã có nhiều người Hoa gốc Minh Hương đến sinh cơ lập nghiệp ở làng An Thái. Người Hoa đã đóng vai trò quan trọng trong việc quan hệ buôn bán ở địa phương. Đây cũng là lý do hình thành nên thị trấn An Thái (trung tâm của huyện lỵ An Nhơn thời bấy giờ).

Từ thế kỷ 18, An Thái trở thành trung tâm buôn bán khá sầm uất, thu hút khách buôn từ các nơi về đây trao đổi hàng hóa, phẩm vật. Chợ An Thái cũng được thành lập bên bờ sông Côn, nối liền con phố chính chạy men theo bờ sông dài đến vài ba trăm mét.

Mãi đến những năm trước ngày giải phóng miền Nam 1975, An Thái vẫn còn là trung tâm mua bán sầm uất với nhiều cửa hàng tạp hóa, nhiều xưởng dệt và lò nhuộm, các cơ sở làm giấy bản và lò làm bún song thằng (bún Tàu). Dân An Thái, ngoài công việc đồng áng và bán buôn, còn có truyền thống thượng võ và rất mê học võ nghệ.

Ngày trước, hầu như con cháu sinh ra ở vùng này đều được cha mẹ cho học võ. Nhà giàu thì đón thầy về dạy võ tại nhà, nhà nghèo cũng phải tìm mọi cách để gửi con cho một võ sư nào đó mà gia đình quen biết. Có lẽ vì thế mà trong các lễ nghi, hội hè hoặc các trò chơi dân gian ở làng An Thái đều phản ảnh truyền thống thượng võ. Trong số đó, tiêu biểu nhất và cũng được mọi người ưa thích nhất là lễ hội đổ giàn.

Người An Thái kể rằng, cũng như nhiều nơi khác ở nước ta, vào dịp lễ hội, ngày rằm, Tết, dân làng võ An Thái lại dựng rạp, tổ chức hát bội suốt ba ngày ba đêm. Ngày ấy, Hội đổ giàn không tổ chức vào một thời gian nhất định nào, có thể hai hoặc ba năm một lần. Có lúc Hội Đổ giàn được tổ chức vào rằm tháng bảy, nhưng cũng có lúc vào mùng 5 tháng năm (Tết Đoan ngọ), hoặc Tết Nguyên đán... Năm bị thiên tai, hạn hán, mất mùa, dịch họa xảy ra liên tục thì người An Thái sẽ tổ chức Hội đổ giàn vào năm ấy với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. Về dự Hội đổ giàn cũng là dịp để các môn đệ thăm viếng nhau, gặp lại bạn bè đồng khóa, đồng môn và cũng là dịp để các cao thủ võ lâm thử tài cao thấp.

Tại An Thái, hiện nay vẫn còn nhiều chùa chiền cổ được người Hoa xây cất từ rất lâu, như chùa Ông, chùa Bà, đặc biệt là ngôi chùa Hội Quán được người dân An Thái làm nơi hội họp, thờ cúng. Địa điểm Hội đổ giàn tổ chức luân phiên tại các chùa Bà, chùa Hội Quán, Gò âm hồn và sau này được dời ra bãi cát sông Côn.

Thường sau hai ngày cúng tế và hát bội, đến ngày thứ ba thì bắt đầu cúng chẩn và đổ giàn. Lễ vật gồm có lá cờ phướn ghi 4 chữ: Phúc, Đức, Thần, Tài cùng với heo quay nguyên con, bánh trái và gạo muối. Người ta lập một sân khấu ngoài trời làm bằng gỗ hoặc tre khá chắc chắn, cao năm mét. Trên giàn có người chủ trò và một đội võ sĩ bảo vệ. Trà trộn trong đám đông người đi xem có nhiều vệ sĩ thuộc các võ đường nổi tiếng như: An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định, Hòa Phong... họ được phân công, tổ chức phòng thủ chặt chẽ, còn các võ sư thì ẩn trong các quán ăn gần đó để chờ đợi kết quả tỉ thí giữa các đệ tử của mình. Khoảng 3 giờ chiều ngày thứ ba, sau ba hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ cúng kết thúc. Bất thần, người chủ trò chặt đứt dây neo giàn và xô đổ con heo quay và các lễ vật cúng tế rơi xuống đất...

Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy con heo quay. Sau khi cướp được lễ vật, họ liền vác heo lao ra khỏi đám đông, cố hết sức mang con heo quay về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đều đã phân công người bảo vệ cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại heo trên vai. Trong cuộc tranh tài này, các võ sĩ dùng tất cả ngón võ, chiến thuật khôn ngoan để giành chiến thắng về mình.

Theo tục lệ, heo quay chiến lợi phẩm sẽ được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ hay làng võ có người giành chiến thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng. Họ tin rằng năm ấy sẽ gặp hên vì được “lộc của thần”. Ý nghĩa của cuộc tranh tài này không nằm trong giá trị vật chất của món quà giành được mà ở giá trị tinh thần, được thể hiện qua tài nghệ của những người dự cuộc với chỗ đứng danh dự trong làng võ. Võ đường nào không cướp được heo thì tiếp tục cho môn sinh luyện tập để chờ dịp khác thi thố tài năng.

Do hoàn cảnh chiến tranh, tục đổ giàn đã bị bãi bỏ từ lâu và mới được khôi phục lại từ năm 2005. Hội đổ giàn là hình thức sinh hoạt thể thao văn hóa dân gian, mang tính thượng võ đặc thù của người dân Bình Định được phục hồi đã góp thêm màu sắc phong phú cho những lễ hội dân gian độc đáo hằng năm ở nước ta...

Nguyễn Tấn Tuấn (biên soạn)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.