Hình ảnh con lợn trên Cửu đỉnh và trong tranh dân gian
Cửu đỉnh là một trong những vật báu của nhà Nguyễn được đúc vào thời vua Minh Mệnh, theo Đại nam thực lục cho biết: sau khi Cửu đỉnh đúc xong vua Minh Mệnh đã cho chạm nhiều hình ảnh, sản vật của đất nước trên Cửu đỉnh.
Trên Tuyên đỉnh có hình ảnh con heo - tức con lợn (còn gọi là trư, đồn, trệ). Nó là con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm và rất có ích với đời sống con người. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, con heo được sử dụng để hiến tế thần linh, dâng cúng gia tiên hàng năm. Theo y học con lợn có nhiều bộ phận rất tốt cho sức khỏe như thủ, các loại thịt, mỡ, não, gan, lưỡi, xương tủy, tim, lá lách, phổi, huyết… các bộ phận này đều được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Do đó, con heo có thể nói là rất quan trọng trong cuộc sống của con người.
Con heo là 1 trong 12 con giáp, được Hồ Nghiễm nhà Minh đặt ra thể 12 giờ, ông lấy con chuột làm giờ Tý, con trâu làm giờ Sửu, con hổ làm giờ Dần, con thỏ làm giờ Mão, con rồng làm giờ Thìn, con rắn làm giờ Tỵ, con ngựa làm giờ Ngọ, con dê làm giờ Mùi, con khỉ làm giờ Thân, con gà làm giờ Dậu, con chó làm giờ Tuất, con heo làm giờ Hợi.
Tranh Bầy lợn con bên lợn mẹ |
Về vấn đề tín ngưỡng, cụ thể là việc dùng con heo để dâng tế thần linh ở các đền, gia tiên… dưới triều Nguyễn các lễ tế xuân, thu đều có dâng lễ vật là heo, Đại Nam thực lục cho biết: “Điển lệ cúng tế, mùa xuân mùa thu 2 kỳ tế ở đền triển thân, mỗi lễ dùng 9 con lợn, đền ở phía sau dùng 6 con lợn, xôi cũng như thế, và chè quả, hương nến, trầu rượu. Lễ dựng cây nêu, đều dùng hương nến, trầu rượu, lễ chính đán, thì gia thêm bánh chưng và phẩm, quả)”.
Hình ảnh con lợn còn được vua Minh Mệnh đưa vào trong thơ, trong dịp tết đến xuân về vua thường làm thơ về năm đó. Đặc biệt là những bài thơ về những ngày đầu năm mới. Trong bài thơ Kỷ Hợi lập xuân thiếp tử vua viết:
Kỷ là can lại Hợi là chi,
Ta tin rằng dân muôn dân ta nhận được phúc lành.
Điềm ứng ngày đầu năm nay khí hậu tự nhiên được bình thường,
Sông ngòi thuận dòng, ruộng đồng được mùa, cả hai đều được như thế.
Hoặc trong bài Kỷ Hợi nguyên đán, vua cũng viết:
Ngày đầu năm mở ra tiết xuân vạn vật như mới,
Gặp được năm Hợi tốt chính là hợp lòng người.
Khi lên triều dung nghi đoan trang, nên hội của vua được lớn lao,
Ban cho yến tiệc thi ân rộng rãi, thể theo lòng nhân của trời cao.
Ánh mặt trời sáng đỏ là điềm lành nên vận tốt lành,
Gió thuận sảng khoái trong buổi viết thiếp đầu xuân.
Cầu khắp cho mọi người được hưởng niền vui và phúc lớn,
Lúc nào cũng nghĩ đến dân thường nguyện làm cho dân.
Đối với tín ngưỡng dân gian, hình ảnh con lợn xuất hiện trên tranh Đông Hồ, hình ảnh đàn lợn con bên cạnh lợn mẹ thể hiện một ước mơ sung túc trong văn hóa nông nghiệp truyền thống của người Việt.
Tranh Dắt lợn. |
Trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” (1909) của Henri Oger đã khắc họa hơn 4200 bức vẽ về cuộc sống sinh hoạt của những người dân ngoại thành vùng thủ đô đầu thế kỷ XX, trong đó hình ảnh con lợn được tác giả lột tả dưới nhiều góc độ. Hình ảnh con lợn mập mạp đang ăn như hình 59, hay hình ảnh một bầy lợn con bên cạnh lợn mẹ hình 831. Hài hước hơn đó là hình ảnh người dắt lợn hình 680 và hình ảnh người dân cho lợn ỷ ăn hình 737.
Tranh Cho lợn ăn. |
Trong tranh Làng Sình ở Huế người dân cũng khắc họa hình ảnh tranh 12 con vật cầm tinh cho thập nhị địa chi, trong đó cũng có hình ảnh con lợn. Đây là dòng tranh dùng để cúng tế hoặc treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, cầu mong cho gia súc, gia cầm được mạnh khỏe, sinh sôi nảy nở, phù hợp với ước vọng của người dân.
Qua những hình ảnh con lợn trên tranh khắc, tranh vẽ ở trên Cửu đỉnh, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ, tranh của Henri Oger, có thể nhận thấy con lợn đối với cuộc sống của người dân là rất gần gũi và quan trọng. Điều đó góp phần khẳng định tầm quan trọng của con lợn trong đời sống vật chất và tinh thần, đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Nhân dịp đầu xuân năm mới, khi thư thả, lúc thanh nhàn trà dư tửu hậu xin mạn đàm vài nét về con lợn/ heo cũng là để mong muốn năm mới được an lành, sung túc, mạnh khỏe.
Nguyễn Huy Khuyến - Đào Thị Hiếu
Ý kiến bạn đọc