Multimedia Đọc Báo in

Nồng say men lá

07:09, 06/02/2019

Ở xã Ea Tam (huyện Krông Năng) có một “đặc sản” nổi tiếng đó là rượu men lá, với quy trình sản xuất rất cầu kỳ...

Ông Bế Văn Đường (SN 1958, thôn Tam Trung) là người dân tộc Tày, trước đây ở xã Địa Linh (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn), gia đình có truyền thống nấu rượu men lá từ 3 đời nay. Sản phẩm rượu men lá của gia đình ông nổi tiếng cả trong, ngoài huyện và được xem là một thứ “hàng hiếm”, ai muốn mua phải đặt hàng trước cả tháng trời. Theo lời kể, do hoàn cảnh khó khăn nên năm 1996, gia đình ông vào Đắk Lắk và chọn mảnh đất Krông Năng lập nghiệp. Ở quê mới, gia đình ông chăm lo phát triển kinh tế, với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo nên không có điều kiện để tiếp tục nghề truyền thống. Đến năm 2008, khi cuộc sống ổn định, ông bắt đầu quay lại nghề nấu rượu men lá để nối nghiệp cha ông, cũng là để cải thiện kinh tế.

Men lá nấu rượu do ông Bế Văn Đường tự làm.
Men lá nấu rượu do ông Bế Văn Đường tự làm.

Theo lời ông thổ lộ, để có được ly rượu men lá ấm nồng là cả một quá trình chế biến hết sức công phu, bài bản ngay từ khâu làm men, ủ rượu đến chưng cất, bảo quản. Trước tiên là việc chọn các loại lá cây để làm men rượu, đó là những cây thuốc nam có vị thơm và bổ dưỡng cho cơ thể như: ớt rừng, lạc đăm, niết tỷ, nhân trần, củ riềng... với khoảng 9-12 loại lá. Ông Đường phân trần: “Hầu hết cây thuốc có tên gọi theo tiếng Tày không thể dịch được ra tiếng phổ thông và chỉ những người am hiểu về việc nấu rượu hoặc làm men mới có thể hái được. Các thảo dược này chỉ có ở trên rừng, trên núi nên việc đi hái lá cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, hầu hết men lá dùng để nấu rượu phải nhờ người quen gửi từ Bắc Cạn vào vì ở Đắk Lắk không có đủ vị thuốc”.

Thảo dược sau khi lấy về được tách phần lá, rễ, thân rửa sạch, phơi khô, xay nhỏ thành bột mịn, sau đó pha trộn theo “bí quyết” riêng để nặn thành từng quả men to như quả trứng gà, rồi phơi khô trong thời gian 5-7 ngày. Tiếp theo là chọn gạo nấu cơm rượu, có thể là gạo tẻ hoặc gạo nếp. Nếu gạo tẻ thì nấu chín thành cơm, gạo nếp phải hông lên rồi đổ ra cái nong lớn để nguội và trộn đều với men, ủ vào chum đậy kín liên tục từ 7 - 10 ngày, sau đó cho nước vào ủ thêm khoảng 10 ngày nữa mới đưa ra chưng cất thành rượu. Mỗi 1 kg gạo chưng cất lấy 1 lít rượu. Rượu sau khi chưng cất sẽ dùng một tấm vải gấp thành 3 lớp để lọc bỏ tạp chất, làm cho rượu trong hơn, rồi cất trữ trong chum, ché, càng để lâu vị càng thơm nồng đậm đà.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam La Bế Thủy Trang, xã hiện có 2.464 hộ, 10.834 khẩu, 16 dân tộc cùng sinh sống tại 15 thôn và 1 buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc chiếm trên 84% dân số. Đã từ lâu, rượu men lá trở thành một thứ đồ uống rất riêng của đồng bào miền núi, một thứ gia vị không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, nghề nấu rượu men lá đang mai một dần và hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng hơn 10 hộ nấu rượu này để bán. Vì vậy, để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, mới đây UBND xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất rượu men lá. Trong đó, chú trọng đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đồng thời có các giải pháp tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.