Multimedia Đọc Báo in

Biểu diễn cồng chiêng "đắt sô" mùa lễ hội

10:28, 26/03/2019

Trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, văn hóa cồng chiêng được tôn vinh, quảng bá khi hiện diện trong tất cả các sự kiện.

Định kỳ 2 năm một lần, huyện Lắk lại tổ chức chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Điểm đặc biệt của chương trình này là được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh lửa bập bùng, bên ché rượu cần nồng đượm, các nghệ nhân say sưa biểu diễn cồng chiêng đã tạo được sức hút rất lớn. Người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước cùng hòa chung không khí hội mùa như tiếp thêm sự đam mê, nhiệt huyết cho các nghệ nhân.

Nghệ nhân Y Khoan Sruê, buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk chia sẻ, với 25 năm làm nghề, đã từng tham gia biểu diễn trong và ngoài tỉnh nhưng số lần biểu diễn rất hạn chế, thậm chí có những tháng gần như không có "sô" nào nên hằng ngày ông vẫn đi làm rẫy để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng, vào mùa lễ hội ông được chạy sô cả ngày, vừa tập luyện với các đội chiêng khác trong các sự kiện giao lưu văn hóa vừa biểu diễn phục vụ du khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Riêng ngày 15-3, ông cùng các nghệ nhân trong đội chạy sô 3 nơi từ sáng đến tối mới kịp chương trình trong ngày. Số lần biểu diễn tăng, thù lao cũng khá nên ông rất vui.

Nghệ nhân buôn Kô Siêr biểu diễn cồng chiêng trong buổi trình diễn đúc cồng chiêng Êđê ở TP. Buôn Ma Thuột.
Nghệ nhân buôn Kô Siêr biểu diễn cồng chiêng trong buổi trình diễn đúc cồng chiêng Êđê ở TP. Buôn Ma Thuột.

Tương tự, các nghệ nhân buôn Kô Siêr, TP. Buôn Ma Thuột những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đắt sô khi lượng khách du lịch đổ về tăng hơn bình thường và họ có nhu cầu tìm hiểu văn hóa cồng chiêng nhân dịp lễ hội. Ông Ama Pur, Đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siêr cho hay, đội chiêng có 15 người gồm 10 nam, 5 nữ và đa số là lớn tuổi. Ở các buổi biểu diễn, đa phần ông chỉ huy động 10 người gồm 7 nam 3 nữ trình bày các tiết mục theo yêu cầu, riêng những ngày diễn ra lễ hội đội chiêng biểu diễn từ 2-4 lần/ngày nên có những hôm ông phải từ chối bởi thời gian biểu diễn trùng với các sự kiện đã lên lịch trước đó. Về cơ bản các tiết mục biểu diễn cồng chiêng bắt buộc phải có nghi thức mời rượu, hát dân ca, độc tấu, diễn tấu cồng chiêng với các nhạc khí khác. Còn các buổi biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm du lịch theo đoàn thường có 7-8 tiết mục: gọi mời về sum họp, múa khai rượu, múa vào hội, múa xoang giao lưu với du khách…

Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng huyện Lắk năm 2019.
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại đêm giao lưu văn hóa cồng chiêng huyện Lắk năm 2019.

Biểu diễn để quảng bá, tôn vinh văn hóa cồng chiêng là một trong những cách bảo tồn văn hóa hiệu quả nhất bởi chỉ có biểu diễn thì mạch nguồn văn hóa cồng chiêng mới “chảy” từ thế hệ này sang thế hệ khác và truyền cảm hứng đến với nhiều người. Trong các buổi diễn, ngoài việc giao lưu, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng, nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài bày tỏ mong muốn các nghệ nhân gắn bó với nghề để bảo tồn, phát huy vốn văn hóa quý giá này.

Có thể nói, sự trân trọng thưởng thức, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng của du khách qua các buổi biểu diễn chính là động lực để các nghệ nhân gắn bó với nghề, thỏa niềm đam mê của mình.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.