Có một dòng gốm Chăm ở Tây Nguyên
Qua nhiều thế hệ, đồng bào Tây Nguyên đã tích lũy được nhiều loại ché cổ tuổi đời vài trăm năm. Ché túc ché tang của người Êđê, ché rlung của người M’nông là các loại ché quý, có thể đổi bằng nhiều tiền, trâu, bò, cồng chiêng. Các loại ché có màu men đẹp, lạ, có hoa văn rồng và hoa văn hình học, hoa lá được đồng bào rất ưa thích. Ché còn có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ, tròn dài khác nhau. Ché “mẹ bồng con” là loại ché đặc biệt, trên miệng ché có gắn những chiếc ché con, là sản phẩm quý giá không phải nhà nào cũng có được. Các gia đình tù trưởng, nhà giàu ngày xưa đều sở hữu những chiếc ché "mẹ bồng con", người Êđê gọi là “yăng mă con”. Mô típ “mẹ bồng con” gần gũi với mô típ “phồn thực”, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên. Các loại ché đều có giá trị ngang giá khác nhau, ché rlung nhỏ đổi một con trâu nghé, ché vừa đổi được con trâu choi, ché lớn đổi được con trâu lớn có bộ sừng dài.
Nhà sưu tập tư nhân Bùi Quốc Dũng với những ché Chăm cổ tại một cuộc trưng bày về đồ gốm ở Đà Lạt. |
Gốm Chăm cổ vẫn còn lưu lại dấu ấn khá nổi bật trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Tây Nguyên. Từ thời xưa, người Chăm đã mang các sản phẩm của mình làm ra lên bán, trao đổi cho đồng bào Tây Nguyên. Gốm Chăm Bình Định được tìm thấy nhiều nhất ở vùng đồng bào cư trú ở phía nam Tây Nguyên. Chiêm ngưỡng bộ sưu tập chum, ché cổ trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng và của những nhà sưu tập ché cổ tại Đà Lạt, ta thấy xuất hiện nhiều loại kiểu khác nhau, trong đó có hàng trăm hiện vật thuộc dòng gốm Chăm có nguồn gốc Bình Định. Thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn Lâm Đồng một nhóm nhiều di tích mộ táng có chôn theo nhiều đồ sành sứ đến từ nhiều nguồn gốc, cùng trong một khung niên đại khoảng từ thế kỷ 17 - 18. Các di tích mộ táng đó nằm tập trung trên địa bàn huyện Bảo Lộc và rải rác trong các huyện Lâm Hà, Đơn Dương và Cát Tiên, trong đó có các di tích khảo cổ học Đại Làng, Đại Lào (Bảo Lộc) và Đạ Đờn (Lâm Hà). Tại khu mộ cổ Đại Làng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều ché rất lớn được chôn theo. Hàng nghìn hiện vật đã được phát hiện trong các cuộc khai quật đặc biệt trong di tích Đại Làng. Những hiện vật này đã được đưa về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Theo các nhà khảo cổ, bình men nâu của gốm Bình Định có trang trí mặt Kala và bình trang trí hình hoa cúc đã được tìm thấy tại các khu mộ cổ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số nơi khác. Dấu hiệu dễ nhận biết đồ gốm Chăm là đường nét trang trí, đó là những chum, ché in khuôn, một hình thức rất phổ biến trong gốm Chăm Bình Định thời kỳ Vijaya, tiêu biểu là 5 cụm di tích (Trường Cửu, Gò Hời, Gò Cây Ké, Gò Cây Me, Gò Sành) và các di chỉ gốm Chăm khác. Bên cạnh đó, gốm Chăm có thể nhận biết qua cách phủ men, thường có lớp men dày, phổ biến là loại men đơn sắc như màu xanh ngọc với nhiều sắc độ vàng đậm nhạt khác nhau, men màu vàng, men màu xám...
Gốm Chăm Gò Sành, bộ sưu tập của nhà sưu tập tư nhân Bùi Quốc Dũng. |
Nghề gốm và kỹ thuật làm đồ gốm của người Chăm cũng ảnh hưởng đến nghề làm đồ gốm của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Điều này cũng dễ dàng suy đoán được vì một thời dài người Chăm chiếm cứ và sinh sống ở vùng Tây Nguyên. Một số dấu tích về tháp Chăm, bi ký Chăm còn tìm thấy ở địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Như chúng ta đã biết, người Chăm là bậc thầy trong nghề làm gốm đất nung cho nên họ đến đâu cũng có thể hướng dẫn, truyền dạy cho cư dân tại chỗ cách làm gốm.
Khi nói về nguồn gốc nghề gốm, trong dân gian các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có nói đến bà tổ nghề là người Chăm. Người Cơ Tu ở vùng núi cao huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có câu chuyện cô gái Chăm bị lưu lạc hay bị bắt cóc, sau đó được người miền núi cưu mang, trở thành thành viên của cộng đồng Cơ Tu. Chuyện kể rằng cách đây lâu lắm, một đoàn người ở làng K’Noonh xuống đồng bằng dọc theo sông A Vương - Vu Gia để mua hàng và gặp cụ già dắt theo một bé gái. Cụ già có ý định bán đứa bé này và một người ở làng K’Noonh đã mua đứa bé về nuôi, đặt tên họ là A-Biing Thị Tiên. Khi về sống ở làng K’Noonh, cô bé Tiên rất siêng năng và trong lúc lao động cô đã phát hiện bên bờ suối gần làng có loại đất sét có thể nặn ra nồi, niêu… Từ đó cô A-Biing Thị Tiên đã dạy cho dân làng K’Noonh làm gốm với nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của dân làng vốn lâu nay chỉ biết nấu nướng bằng ống tre, ống nứa. Qua câu chuyện, có thể suy đoán, cô gái ấy chính là bà tổ nghề gốm Cơ Tu có nguồn gốc Chăm Pa. Hiện nay, vùng đất Tây Giang cũng còn một số dấu tích thể hiện việc giao lưu văn hóa giữa người vùng cao với người Chăm Pa xưa.
Trong các hội thảo khoa học Chăm được tổ chức gần đây tại Bình Định và Ninh Thuận, các nhà khoa học đã chứng minh sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm nói chung, đồ gốm sứ của người Chăm nói riêng đối với vùng Tây Nguyên. Những chiếc chum, ché cổ xưa của người Chăm có nước men đẹp, hoa văn, tạo hình đơn giản nhưng kỳ bí, được nhiều thế hệ đồng bào Tây Nguyên rất ưa dùng. Đó chẳng những là tài sản quý mà còn hình thành nên văn hóa, tập tục, đời sống tâm linh của đồng bào. Chiếc ché cổ của người Chăm gắn liền với văn hóa rượu cần và lễ hội của buôn làng.
Ý kiến bạn đọc