Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc lễ hội tết mùa ăn mừng cơm mới của người Bh'noong

08:11, 24/03/2019
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác cùng sinh sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Bh’noong (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) ở huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) chủ yếu sống dựa vào nương rẫy.
 
Người Bh’noong tin rằng, nhờ Giàng, Thần lúa giúp đỡ nên bà con mới có những vụ mùa bội thu. Vì vậy, sau mỗi mùa thu hoạch lúa rẫy, bà con thường tổ chức lễ hội tết mùa ăn mừng cơm mới để cảm tạ Giàng, thần linh đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
 
Theo truyền thống, khi những vạt lúa cuối cùng trên rẫy được thu hoạch đưa về nhà và phơi khô cất vào kho vào những ngày cuối tháng 11 âm lịch, cộng đồng người Bh’noong chính thức bước vào lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới. Đối với đồng bào Bh'noong, lễ hội này mang ý nghĩa rất linh thiêng nhằm dâng tạ thần linh vì đã cho họ một mùa rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh và con cháu thành đạt.
 
Theo tiếng Bh’noong, lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới gọi là Wạn pachhum pơloyl chahano cha klôh mạưhnao kontamoy. Lễ hội là niềm vui chung của tất cả dân làng, vừa được tổ chức tại từng gia đình. Sau khi cúng Thần lúa, ông bà và ăn mừng lúa mới tại các gia đình xong, tùy thuộc vào kinh tế mà mỗi nhà góp thêm một phần cơm mới, thịt chuột, thịt heo, gà, cá nướng trong ống nứa, rau dớn, bí, ốc, cá, cua, tôm bắt dưới suối trước đó của gia đình mình đến nhà rông (nhà sinh hoạt cộng đồng) để Hội đồng già làng làm lễ dâng cúng Giàng, Thần lúa, tổ tiên, ông bà.
 
Những chàng trai Bhnoong trong bộ trang phục truyền thống chuẩn bị vào ngày hội.
Những chàng trai Bh'noong trong bộ trang phục truyền thống chuẩn bị vào ngày hội.
Mâm lễ cúng đầy đủ thường gồm các món: canh ốc, bánh lá đót (bánh quoát), rau dớn nấu với cá niêng bằng ống lồ ô, cơm mới trong ống nứa, cá quấn lá chuối nướng, thịt heo luộc băm trộn với lá sắn, thịt heo nướng, một tô thịt chuột rừng nấu măng tươi, một đầu heo luộc chín đi kèm với tim, gan, bộ lòng, một chén muối, một nia lúa mới (lúa thiêng) được góp từ các hộ gia đình trong làng, một ché rượu cần thơm ngon, một đĩa trầu cau, thuốc và cả những nông sản trồng được như: thơm, bí đỏ, mía, bầu, khoai lang, sắn...
 
Theo quan niệm của đồng bào Bh'noong, nghi thức cúng Giàng, Thần lúa, tổ tiên, ông bà sẽ do một phụ nữ lớn tuổi, sống hiền lành, đạo đức tốt được dân làng kính trọng và am hiểu phong tục tập quán thực hiện với bài cúng mời các vị thần xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, làng, cộng đồng mùa vụ rẫy mới được mùa, làm ăn khá giả, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn, muôn vật xung quanh sinh sôi phát triển.
 
Sau nghi thức cúng này, Hội đồng già làng (gồm 3 người) lại chỗ nia lúa mới trong mâm cúng hốt mớ hạt lúa thiêng, lần lượt vung vẩy lên để mọi người đưa tay ra bắt. Theo quan niệm của đồng bào Bh'noong, người nào bắt được 2, 4, 6 hay 8 hạt thì sau đó người đó sẽ ăn những hạt gạo đó với niềm tin sẽ mang lại may mắn cho mình trong cả năm. Đây là nét độc đáo trong lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới của đồng bào Bh'noong mà các dân tộc khác trong vùng không có.
 
Sau lễ cúng, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tù và và các loại nhạc cụ khác nổi lên sôi động, phụ nữ, thanh niên, trẻ em Bh’noong nắm tay các mẹ, các chị của mình vui mừng nhảy múa. Tiếng cồng chiêng, nhịp điệu múa và những tiếng hú tạo không khí sôi động, hào hứng. Những khuôn mặt rạng ngời, những nụ cười tràn đầy hy vọng, bà con cùng nhau ăn uống, múa hát; người già kể khan cho lớp trẻ nghe thâu đêm suốt sáng. Đến khi mặt trời hé rạng, báo hiệu ngày mới bắt đầu thì mọi người mới ra về, hẹn lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới năm sau.
 
Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng bà con Bh’noong huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn duy trì lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới truyền thống của mình. Vào dịp này, mọi người trong làng đến thăm nhau, quây quần bên bếp lửa, ăn bánh lá đót, nhấm nháp lát thịt chuột rừng, ăn những nắm cơm mới còn thơm lừng và nâng chén rượu cần chúc nhau vụ mùa năm sau lúa trĩu hạt, thóc đầy nhà kho, cuộc sống ấm no, mọi nhà hạnh phúc.
 
Sơn Gia Phúc
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.