Độc đáo nghi lễ cúng mừng lúa mới của người M'nông Gar
Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu là làm nông nghiệp, đặc biệt là gieo tỉa lúa trên nương rẫy. Vì vậy, trong hệ thống nghi lễ vòng đời cây lúa của người M’nông Gar ở buôn Jiê Yúk, từ khi gieo hạt đến khi lúa về kho sẽ diễn ra 3 lễ cúng: Lễ cúng cắm cây nêu trên rẫy, lễ cúng đã thu hoạch được một nửa diện tích và lễ cúng lúa mới. Trong đó lễ cúng mừng lúa mới là nghi lễ cuối cùng và quan trọng nhất, mang sắc thái, dấu ấn riêng đậm chất văn hóa truyền thống của người M’nông Gar.
Lễ cúng mừng lúa mới của người M’nông Gar ở buôn Jiê Yúk được lưu truyền từ bao đời nay. Lễ cũng thường diễn ra vào tháng 12 dương lịch hằng năm, sau khi bà con đã thu hoạch xong mùa màng. Chị H’Tâm Ndu, một người dân trong buôn Jiê Yuk chia sẻ: “Đây là lễ cúng truyền thống có từ lâu đời của đồng bào người M’nông Gar chúng tôi. Có lúa từ rẫy về kho chúng tôi vui mừng lắm, phải làm lễ cúng để tạ ơn thần linh, tạ ơn ông bà đã phù hộ cho thóc lúa đầy kho…”.
Kho lúa và các vật dụng trong nghi lễ cúng mừng lúa mới. |
Trong lễ cúng mừng lúa mới của người M’nông Gar gồm có các lễ vật: kho lúa, cây nêu, các bồ đựng lúa, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, 1 chén đựng cơm rượu cần, 1 ống lồ ô. Để chuẩn bị lễ cúng lúa mới, ngay từ sáng sớm, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc. Bà chủ nhà sẽ chỉ cho con trai hoặc chồng bưng ché rượu cần và dặn dò con gái đi mời bà con, anh em trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì nghi lễ cũng mừng lúa mới sẽ bắt đầu. Chủ nhà mời thầy cúng ngồi vào ché rượu cần thứ nhất và đưa chén đựng cơm rượu cần, ống lồ ô cho thầy cúng. Thầy cúng sẽ thổi ra âm thanh từ ống lồ ô và đọc bài cúng. Việc thổi ống lồ ô của thầy cúng được người M’nông Gar tin là để gọi hồn lúa đừng ở nương rẫy nữa, hãy về nhà của gia đình cho mọi người được sức khỏe dồi dào và luôn no đủ cả năm.
Trong nghi lễ này, máu của con gà trống sẽ được bôi lên tất cả các vật dụng trong gia đình để chứng tỏ hồn lúa đã hiện diện nơi đây. Với 3 ché rượu cần, lần lượt để cúng thần lúa và người uống đầu tiên là thầy cúng, sau đến chủ nhà và dòng họ. Ché thứ 2 dùng để mời hàng xóm láng giềng trong buôn và ché thứ 3 dùng để mời đội diễn tấu cồng chiêng và đội hậu cần tại lễ cúng. Nghi thức mời rượu xong sẽ đến phần bôi bột gạo. Bột gạo được lấy từ những hạt lúa mới giã chung với củ “M’bé” và “Gưn ba”, dùng để bôi lên các vật dụng trong nhà và các thành viên trong gia đình cầu sức khỏe dồi dào, kho luôn đầy lúa. Tiếp đến chủ nhà sẽ đưa một cái sừng trâu rót đầy rượu cần và một miếng cơm kèm với thịt heo, gà. Thầy cúng sẽ đặt đồ ăn lên kho lúa rồi đổ rượu cần từ đỉnh kho xuống. Nghi thức này để xin thần lúa từ nay được phép lấy lúa từ trong kho ra giã thành gạo nấu cơm.
Đoàn nghệ nhân buôn Jiê Yuk phục dựng nghi lễ cúng lúa mới. |
Theo bà H’Loan Bđáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk, đối với cộng đồng dân cư sống trên địa bàn Tây Nguyên từ xa xưa, mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội. Cuộc sống của con người Tây Nguyên gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp, vì vậy lễ mừng lúa mới không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ.
Nằm trong chương trình của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, đoàn nghệ nhân của buôn Jiê Yuk sẽ tham dự tiết mục phục dựng lại nghi lễ cúng mừng lúa mới. Đây được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa của người dân tộc M’nông Gar. |
Xuân Thái
Ý kiến bạn đọc