Giữ hồn chiêng nơi biên giới
Đồng bào J’rai ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) hằng ngày vẫn gìn giữ nhịp chiêng, truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ của buôn làng.
Người dân buôn A1 (thị trấn Ea Súp) không còn nhớ rõ đội chiêng của buôn được thành lập từ khi nào chỉ biết rằng những người tham gia đánh chiêng rất giỏi. Họ phải trải qua một quá trình học tập, dày công khổ luyện và chảy bỏng đam mê.
Anh Y Vít Siu (SN 1980) là một trong những người đánh chiêng giỏi của đội chiêng buôn A1. Sinh ra tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), mồ côi cha mẹ, năm 14 tuổi, Y Vít được người bà con ở thị trấn Ea Súp đưa về chăm sóc. Y Vít thường xuyên được người thân đưa đến các lễ hội của buôn làng, âm thanh của tiếng cồng chiêng "ngấm" vào anh từ đó. Mỗi lần đi xem, đợi đội chiêng của buôn đánh xong, Y Vít xin được đánh thử theo cảm nhận của mình. Nhờ đam mê và chăm chỉ luyện tập, Y Vít không những biết đánh thành thạo nhiều bài chiêng mà còn biểu diễn rất lôi cuốn, được cùng đội chiêng của buôn đi biểu diễn ở nhiều nơi. Anh Y Vít cho hay: “Học đánh cồng chiêng ngoài sự chăm chỉ còn là niềm đam mê, mới có thể gắn bó lâu dài. Để đánh được cồng chiêng giỏi cần có sự tinh tế trong thẩm âm, trong tiết tấu, quan trọng hơn là tinh thần đoàn kết”.
Đội chiêng huyện Ea Súp trình diễn tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. |
Dù cuộc sống hiện nay còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê cồng chiêng anh Y Vít và người dân trong buôn vẫn luôn trân trọng, gìn giữ âm thanh cồng chiêng của cha ông để lại. Ở thị trấn Ea Súp hiện có 2 đội chiêng của buôn A1 và buôn B1 với hơn 50 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau (từ 35 – 70 tuổi) nhưng có cùng niềm đam mê cồng chiêng mãnh liệt. Tuy là hai đội chiêng riêng biệt, nhưng các thành viên thường xuyên luyện tập, cùng biểu diễn phục vụ người dân. Trong các dịp lễ lớn, đội chiêng buôn A1 còn chủ động tập hợp những người đánh chiêng giỏi của đội chiêng buôn B1 và một số người yêu chiêng tại buôn A2, B2, C để cùng biểu diễn, gắn kết tình cảm giữa các buôn làng, cùng nỗ lực giữ “hồn” cồng chiêng nơi biên giới.
Thị trấn Ea Súp hiện còn gần 30 bộ cồng chiêng, được người dân lưu giữ tại các buôn A1, A2, C, B1, B2. |
Điều đặc biệt mà ít buôn làng nào trên địa bàn huyện có được là hầu hết thanh thiếu niên của buôn A1 đều biết đánh cồng chiêng. Chỉ khi thật sự yêu thích cồng chiêng, thế hệ trẻ của buôn mới có thể tìm tòi, theo đuổi niềm đam mê. Anh Y Niê Khăm Ta (SN 1990) tự hào nói: “6 tuổi tôi và anh em trong gia đình thường được bố cho đi theo đến các lễ lớn, nhỏ trong buôn làng để tận mắt xem và học các già làng đánh cồng chiêng. Đi nhiều, nghe nhiều, dần dần tôi quen và biết cách đánh chiêng Pêl, chiêng Aráp thành thạo. Từ đó, trong các lễ hội tại buôn tôi đều tham gia đánh cồng chiêng. Cả gia đình tôi, con trai biết đánh cồng chiêng, con gái được mẹ dạy múa xoang để cùng tham gia lễ hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. Không riêng gia đình anh Khăm Ta, hầu hết các gia đình trong buôn A1 đều dạy con cái đánh cồng chiêng, múa xoang từ rất sớm với mong muốn, tiếng cồng chiêng của cha ông mãi ngân vang.
Đội chiêng J'rai của huyện Ea Súp luyện tập trước giờ biểu diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. |
Năm 2015, đội cồng chiêng trẻ buôn A1 được thành lập với hơn 30 thành viên. Đội cồng chiêng được nghệ nhân ở các buôn ở thị trấn Ea Súp giảng dạy nhằm giúp các em lĩnh hội được cái hay, cái đẹp của cồng chiêng và nhanh chóng trưởng thành. Nhờ đó, đội cồng chiêng trẻ của buôn A1 được tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện trong huyện, trong tỉnh. Mới đây, một số thành viên đánh cồng chiêng giỏi trong đội chiêng trẻ của buôn A1 được chọn tham gia trình diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - năm 2019. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào song cũng là trách nhiệm của mỗi thành viên trong đội để tiếng cồng chiêng vang xa, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc