Nồng nàn rượu cần Ban Mê
Bí quyết để làm ra ché rượu cần ngon chỉ được truyền từ người mẹ cho con gái chứ không truyền cho con trai. Đó cũng là một điểm đặc biệt làm cho rượu cần có dư vị riêng của nó.
Cũng là rượu cần do người Êđê ủ, nhưng vị rượu cần được chế biến từ mảnh đất Buôn Ma Thuột lại có những dư vị đặc biệt hơn. Đó không chỉ là ché rượu được chế tạo nên từ nguyên liệu gạo, men… mà còn là bí quyết riêng, cũng như tình cảm được trao gửi qua bao thế hệ.
Tuy không phải là “thủ phủ” của rượu cần, nhưng rất nhiều người dân tộc Êđê tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn giữ được nét truyền thống ủ rượu bằng những nguyên liệu thiên nhiên. Ngoài vị nước, gạo hay kỹ thuật thì tinh thần của “đầu bếp” ủ cũng mang lại vị rượu đặc biệt. Chị H’Phiu Kbuôr (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột) là người làm rượu cần có tiếng trong buôn. Chị đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm rượu cần, nhưng bí quyết để tạo ra rượu ngon của gia đình thì đã có từ rất lâu, từ thời ông bà đến bố mẹ và nay là chị nối nghiệp. Công việc này đối với chị có rất nhiều ý nghĩa, nó không đơn thuần là việc làm kiếm thu nhập mà đó là sự kế thừa bí quyết gia truyền từ đời trước, nhất là khi ở mảnh đất Ban Mê này không còn nhiều gia đình làm rượu cần.
Chị H’Phiu Kbuôr (bên phải) thực hiện công đoạn cơm trộn men để ủ rượu cần. |
Trong một lần hiếm hoi, chúng tôi được mục sở thị quy trình tạo nên một ché rượu cần thơm ngon từ chị H’Phiu; các công đoạn được chị làm một cách tỉ mỉ và say mê. Chị cho biết: “Rượu ngon phần lớn phụ thuộc vào men. Ngày xưa, mẹ tôi vẫn thường tự làm men để ủ rượu, đó là chất men tự nhiên được làm từ những vật phẩm của núi rừng. Thế nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan, gia đình không tự làm men nữa mà đặt cho người thân làm. Rất may người nhà ở huyện Buôn Đôn, Lắk vẫn còn tự làm men từ lá rừng nên rượu cần vẫn giữ được hương vị truyền thống”. Chị tiết lộ thêm, men để ủ rượu của người Êđê được làm từ củ riềng, giã chung với các loại lá nên mùi rất đặc trưng, ngon đậm đà. Nguyên liệu làm rượu cần chủ yếu là từ gạo. Ngày xưa, vì cuộc sống khó khăn không có điều kiện nên có thể làm từ bắp, mì… nhưng ngon nhất vẫn là từ gạo.
Với chị H’Phiu bí quyết để làm rượu cần ngon đó chính là kỹ lưỡng ở từng công đoạn trong quá trình làm rượu; bởi phần nào cũng quan trọng, lơ là sẽ khiến ché rượu hư ngay. Ví như công đoạn làm cơm rượu, gạo để nấu cơm ủ rượu là loại gạo dẻo, được nấu chín thật đều trên bếp củi, để nguội, nhưng lại không được để quá lâu ngoài không khí, phải canh cho đủ thời gian mới được trộn men. Men cũng được trộn theo đúng tỷ lệ, nếu nhiều quá rượu sẽ chua hoặc đắng, nếu ít sẽ không thành rượu. Sau khi ủ cơm rượu từ 7-10 ngày, cho hỗn hợp vào ché. Ché phải được rửa sạch, phơi khô ở nắng gắt để diệt vi khuẩn, đồng thời cũng giúp ché được bền hơn. Riêng đối với rượu của chị H'Phiu, cơm đã trộn men sẽ được bỏ vào ché hai lần. Lần đầu là khi cơm đã trộn men, lần thứ hai là 3 ngày sau khi đã ủ trong ché, đổ ra rồi ủ tiếp; ủ hơn 3 tháng là dùng được, muốn ngon phải một năm. Ngoài ra, phải làm vào những ngày nắng ấm, đẹp trời, không làm ngày âm u cơm rất dễ hư.
Du khách nước ngoài thưởng thức vị rượu cần. |
Một ché rượu cần ngon, đạt tiêu chuẩn có màu trắng đục khi uống sẽ có vị ngọt, thơm nồng, sảng khoái.
Uống rượu cần lâu say, mà say rồi cũng không bị đau đầu, và sau giấc ngủ thì người cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu trở lại. Các cụ ngày xưa còn truyền bí quyết, rượu càng ủ kỹ, để càng lâu càng ngon, càng đậm đà và nồng nàn hương vị. Bởi thế, người Êđê dùng rượu cần để cúng thần linh như một vật rất quý giá vào tất cả các dịp lễ, hội hè... Thức uống ấy sau khi được dâng lên thần linh thì trở thành chất men say lòng của đồng bào ở phần hội. Họ quây quần bên ché rượu cần để chúc nhau niềm vui, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm êm, dân làng no đủ...
Rất nhiều vị khách trong và ngoài nước khi đến nhà chị H’Phiu mua rượu cần mong muốn được xem quá trình làm rượu, nhưng chị đã từ chối. Vì với chị, làm rượu cần đã hết sức chăm chút thì khi khám phá về rượu cũng phải dành nhiều thời gian để biết tường tận ý nghĩa từng công đoạn, nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” sợ rằng sẽ mất đi giá trị của nó.
Cho đến nay, chị H’Phiu vẫn chăm chút khi ủ từng ché rượu cần, cố gắng biến thức uống truyền thống này trở thành thương hiệu của gia đình, của buôn làng. Một ché rượu đậm chất Ban Mê do chính người dân nơi đây ủ bằng tình cảm và sự hiếu khách sẽ khiến người uống nhớ mãi; nhất là khi thưởng thức tất cả mọi người cùng vít cần uống chung, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo… mà chỉ biết đến niềm vui, đoàn kết và sẻ chia.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc