Trăn trở nỗi niềm bảo tồn văn hóa truyền thống ở Krông Bông
Ở huyện Krông Bông, các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao là vùng căn cứ cách mạng có đông đồng bào các dân tộc Êđê và M’nông sinh sống.
Trước đây, ở vùng đất này “đậm đặc” văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ với nhiều lễ cúng truyền thống; những làn điệu dân ca Êđê, M’nông; vang vọng tiếng chiêng ngân, đing năm, đing tắk tar, đing tut… Nhưng ngày nay văn hóa truyền thống đã phai nhạt dần, tiếng chiêng, tiếng sáo và những làn điệu ayray, khan, kứt ngày một ít đi…
Già làng Y Đăk Mlô (Ama Kuâo), dân tộc M’nông ở buôn Blắk (xã Cư Pui) là một trong số rất ít nghệ nhân còn lại trong buôn biết đánh chiêng, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, hát ayray và biết nhiều bài cúng. Lo lắng trước những nét văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một, Ama Kuâo đã mở và dạy hàng chục lớp đánh chiêng đồng, chiêng kram cho lớp trẻ trong buôn. Song, nỗ lực của Ama Kuâo không đủ để duy trì lâu dài những lớp học như vậy. Già làng Ama Kuâo trăn trở: “Trong buôn bây giờ rất ít người biết sử dụng các loại nhạc cụ như đing năm, đing tut, đing tắk tar. Giờ có mở các lớp học đánh chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ hay tập hát dân ca cũng không có người tham gia. Lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà nữa rồi”.
Già làng Ama Kuâo (thứ hai từ phải sang) và các nghệ nhân tham gia Hội thi Văn hóa Cồng chiêng xã Cư Pui năm 2015. |
Xã Yang Mao có 8 buôn đồng bào dân tộc Êđê và M’nông. Trước đây, trên địa bàn xã có hàng trăm nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, sử dụng được các loại nhạc cụ, biết tạc tượng nhà mồ; hàng chục nghệ nhân biết dệt thổ cẩm. Xã Yang Mao cũng có nhiều nghệ nhân hát ayray, kưt, khan. Đến nay, số lượng những nghệ nhân này còn rất ít bởi nhiều người cao tuổi đã qua đời, trong xã chỉ còn vài người tâm huyết vẫn giữ gìn văn hóa truyền thống. Như vợ chồng nghệ nhân Y Blễ M’drang (Ama Kim) ở buôn M’năng Dơng, là người M’nông nhưng cả hai nghệ nhân đều hát được nhiều làn điệu dân ca Êđê, tham gia liên hoan, hội diễn ở nhiều nơi… Ama Kim còn đặt lời cho hàng chục làn điệu ayray, kưt, khan; amí Kim là nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng của huyện Krông Bông, từng đứng lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các lớp do huyện tổ chức tại xã Yang Mao. Khi nhắc đến việc truyền dạy văn hóa cho lớp trẻ, Ama Kim đượm buồn: “Trước đây mình có mở một lớp học hát ayray cho gần 20 học viên song cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn rồi tan rã vì gặp nhiều khó khăn. Khó nhất là nhiều học viên không hát được tiếng Êđê và cái chính là nhiều thanh niên không đam mê nên học rất khó. Bên cạnh đó, lớp học không thể duy trì còn bởi không có kinh phí trang trải”.
Vợ chồng nghệ nhân Ama Kim ở xã Yang Mao. |
Ở xã Cư Đrăm giờ đây cũng vắng hẳn tiếng chiêng ngân trong các lễ mừng lúa mới, lễ cúng trưởng thành, lễ cầu mưa…; các lễ cúng theo phong tục truyền thống cũng thưa dần. Những người biết đánh chiêng và biểu diễn nhạc cụ truyền thống cũng không còn nhiều. Điều buồn hơn là khi một số buôn tổ chức lễ cúng đã phải “thuê” nghệ nhân ở buôn khác đến đánh chiêng. Toàn xã có 5 buôn đồng bào Êđê với 636 hộ nhưng chưa tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng được lần nào vì thiếu nghệ nhân. Già làng Ama Thiếu ở buôn Chàm A tâm sự: “Trước đây trong buôn nhiều người biết đánh chiêng. Giờ chỉ còn vài người có thể đánh được, trong buôn có việc gì phải đi “thuê” người ở buôn khác về đánh chiêng”.
Say mê chế tác nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Y Puên Niê ở buôn Bhung (xã Cư Pui) đã mày mò chế tác được 6 loại nhạc cụ và sử dụng được gần 10 nhạc cụ truyền thống của người Êđê, M’nông. Tuy nhiên, những nhạc cụ do anh chế tác ra cũng rất ít khi được sử dụng vì chẳng còn mấy người biết cách dùng. Anh Y Puên buồn bã: “Giờ đây ở trong buôn không còn không gian để thể hiện các nhạc cụ truyền thống. Những nhạc cụ do mình chế tác tặng bạn bè thì họ chỉ giữ làm kỷ niệm chứ không sử dụng được”.
Thời gian qua, huyện Krông Bông đã có nhiều nỗ lực khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông phối hợp với các xã Dang Kang, Hòa Phong, Yang Mao đã phục dựng nhiều nghi lễ của đồng bào Êđê, M’nông; mở hàng chục lớp dạy đánh chiêng đồng, chiêng kram cho lớp trẻ các xã và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, khôi phục văn hóa truyền thống. Nhạc sĩ Châu Phan, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông lo lắng: “Huyện Krông Bông còn rất ít nghệ nhân biết đánh chiêng, sử dụng các nhạc cụ truyền thống và hát được dân ca; đa phần họ đã lớn tuổi. Lớp trẻ bị cuốn hút theo các dòng nhạc hiện đại nên không thiết tha với việc học đánh chiêng, hát dân ca. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, phó mặc công tác bảo tồn cho ngành văn hóa… Có lẽ, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống muốn có hiệu quả thực sự đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ. Đặc biệt, cần phải đưa văn hóa truyền thống trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi đây”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc