Bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Ea Knốp - nỗi lo kế tục
Buôn Ea Knốp nằm trong thôn Đoàn Kết 1, là buôn Êđê duy nhất ở xã Ea Tyh (huyện Ea Kar). Trải qua bao thăng trầm, cồng chiêng vẫn luôn gắn bó mật thiết với người dân nơi đây, nhưng nay lại đang đối mặt với nguy cơ bị mai một.
Với người dân ở buôn Ea Knốp cồng chiêng là vật quý giá mang lại nhiều may mắn cho gia đình, buôn làng, thế nên phải là khách quý hoặc đến cùng một người có uy tín tại địa phương thì chủ nhà mới tin tưởng mang chiêng cho xem. Mới đây chúng tôi đã may mắn được già làng Y Kruốt Mlô (SN 1954) - Đội trưởng đội chiêng của xã cho xem 2 bộ chiêng ông đang lưu giữ, gồm một bộ của gia đình, một bộ được Nhà nước cấp cho buôn Ea Knốp.
Ông Y Kruốt cho hay: “Trước đây, có nhiều người đến buôn hỏi mua cồng chiêng, nhưng không ai mang bán. Song có một vài kẻ gian lợi dụng lúc người dân trong buôn đi làm, đóng giả người thu mua phế liệu lẻn vào nhà trộm mất một số cồng chiêng giá trị. Từ đó, chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, cất giữ cồng chiêng cẩn thận hơn". Qua già làng Y Kruốt Mlô, chúng tôi được biết, bởi yêu quý cồng chiêng, muốn gìn giữ lại cho thế hệ sau, nên nhiều gia đình trong buôn tuy rất nghèo, lại chẳng còn ai biết đánh, hay cồng chiêng không còn đủ bộ nhưng vẫn không ai đem bán dù được trả giá rất cao.
Đội chiêng của buôn Ea Knốp (xã Ea Tyh) tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. |
Buôn Ea Knốp có 92 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, hiện lưu giữ hơn 10 bộ cồng chiêng và chỉ còn 4 người biết đánh chiêng thành thạo. |
Trước đây, người dân buôn Ea Knốp hầu hết sinh sống tại huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Trước giải phóng, bà con rời quê hương sang định cư tại thị trấn Ea Knốp, sau đó chuyển về buôn Ea Knốp (thôn Đoàn Kết 1, xã Ea Tyh) sinh sống. Dù nhiều lần thay đổi chỗ ở, song bà con vẫn luôn mang theo cồng chiêng. Ông Y Sóc Mlô (SN 1970) nhớ lại, khi rời buôn làng, ngoài các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt, bố mẹ không quên mang theo cồng chiêng. Bộ cồng chiêng này đến nay luôn được gia đình giữ gìn cẩn thận.
Khi mới đến sinh sống tại đây, với niềm yêu thích cồng chiêng, mọi người tập trung lại, tìm những người đánh chiêng giỏi nhất để thành lập một đội chiêng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trong buôn. Ông Y Sóc trò chuyện: "Theo chân các già làng, tôi cố gắng luyện tập đánh cồng chiêng từ nhỏ và sớm được tham gia vào đội chiêng của buôn. Trước đây, đội chiêng của buôn có 8 thành viên với 6 người đánh chính, 2 người đánh phụ. Đội chiêng không chỉ biểu diễn phục vụ buôn làng mà còn tham gia trình tấu tại nhiều sự kiện lớn trong huyện, trong tỉnh".
Ông Y Sóc Mlô luyện tập đánh cồng chiêng lúc rảnh rỗi. |
Cũng như nhiều nghệ nhân trong đội chiêng, ông Y Sóc lo lắng: "Không như mình hồi trẻ mê chiêng đến mất ăn mất ngủ, giờ đây thanh niên trong buôn không còn mặn mà, đam mê với cồng chiêng nữa". Hiện tại, trong buôn Ea Knốp số người biết đánh cồng chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi các nghệ nhân đánh chiêng mỗi ngày một lớn tuổi hoặc có người đã qua đời. Lo sợ một ngày không xa buôn làng vắng tiếng cồng chiêng, ông Y Sóc cùng các thành viên đội chiêng mong muốn mở một lớp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ nhưng chưa thành công. Đây là thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng mà người dân tại buôn Ea Knốp đang đối mặt. Làm sao để giữ gìn, tiếp nối những cái hay cái đẹp mà ông cha để lại là câu hỏi chưa có lời giải?
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc