Ký ức của dũng sĩ săn voi cuối cùng
Ông Y Khiă (thường gọi là Ama Đer) là người săn voi (gru) cuối cùng ở buôn Tunr, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn). Bây giờ ông là thầy cúng voi, vào những dịp lễ hội trong tỉnh ông luôn được mời để cúng sức khỏe cho voi và cho chủ voi.
Trong ngôi nhà dài giữa buôn Tunr, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), đôi mắt buồn miên man của Ama Đer chợt sáng bừng khi chúng tôi nói muốn nghe chuyện đi săn voi rừng. Ký ức ngày trước ùa về: Khoảng 14 tuổi, ông Y Khiă đã mình trần đóng khố theo các gru đi bắt voi con. Trong cuộc đời đi săn voi của mình, ông đã bắt được 36 con voi, trong đó có một con voi trắng. Ông được phong là gru Tuhey (gru 100) - cấp bậc lớn trong các gru và hiện tại ông là gru lớn cuối cùng ở xứ sở voi Buôn Đôn.
Già làng Y Khiă (bìa trái) thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. |
Ngày ấy, ông Y Khiă thường cưỡi con voi dũng mãnh, thông minh tên là Gurny lao vào rừng sâu, bắt những chú voi con về thuần dưỡng. Trong chuyến đi săn vào một ngày mùa khô năm đó, ông cũng thực hiện các lễ cúng đầy đủ. Sau một tuần rong ruổi trong rừng sâu, ông phát hiện thấy một đàn voi rừng, trong đó có một con voi màu trắng nên xác định phải bắt bằng được. Loài voi trắng rất lanh lẹ, khó bắt và thuần phục; song Gurny là chú voi săn rất giỏi nên việc bắt bạch tượng không gặp khó khăn. Voi trắng được coi là loài voi linh thiêng, đồng bào quan niệm là vua của các loài voi. Khi săn được voi trắng đưa về buôn phải chuẩn bị mọi lễ vật màu trắng: Gà trắng, lợn trắng, trâu trắng… làm lễ cúng thần linh, sau đó Ama Đêr đã tặng con bạch tượng này cho một người ở huyện khác.
Theo ông Y Khiă, trong suốt hành trình đi săn, đội săn phải liên tiếp thực hiện các lễ cúng, nấu cơm, múc nước, ăn, ngủ, nghỉ… đều phải cúng. Trong đội săn bao giờ cũng có thứ bậc. Thứ bậc được phong theo chiến tích là số lượng voi mà người đó bắt được. Việc phong bậc được tiến hành bằng một lễ cúng có sự chứng kiến của những người có vị thế trong buôn làng. Thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, khi tự mình bắt được 5 con voi rừng sẽ được mặc quần áo, che mưa, ăn cá màu trắng; bắt được từ 20 con thì được phong bậc gru (dũng sĩ săn voi). Gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi, lúc này người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền chỉ đạo trong chuyến đi săn đó. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp thượng thặng phải săn được bạch tượng (một con bạch tượng gần bằng 100 con voi đen).
Bạch tượng là con voi thứ 31 mà ông Y Khiă bắt được. Sau khi voi săn Gurny mất, ông mua một con voi săn khác tên là Tok về thuần dưỡng, săn thêm 5 con voi đen. Lúc này việc săn voi bị Nhà nước cấm nên đồng bào nơi đây cũng bỏ nghề.
Bức ảnh già Y Khiă thời trẻ và con voi thứ 36 đã săn được. |
Buổi chiều ở huyện vùng biên không còn nắng gắt, bầu trời dịu một màu xanh thẳm, khuôn mặt già Y Khiă bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể về chuyện xưa. Xưa kia, vùng đất này là rừng ngút ngàn, nước cuồn cuộn tuôn chảy, voi đua nhau tắm ở bến Tha Luống. Bến Tha Luống theo tiếng Lào nghĩa là bến vua. Tương truyền, mỗi lần đi săn tại Bản Đôn, vua Bảo Đại thường đến đây ngồi thư giãn, câu cá và tắm cho voi tại bến này. Từ đó vào các mùa lễ hội lớn nhỏ, địa phương tổ chức lễ cúng sức khỏe, tắm cho voi cũng tại nơi đây. Bây giờ không gian tự nhiên dành cho voi ngày càng bị thu hẹp. Voi không còn cảm hứng để “yêu”, để sinh sản. Voi là loại khá kín đáo trong "chuyện phòng the". Nếu không có một sinh cảnh thích hợp và "đức lang quân" vừa ý thì chuyện ấy khó xảy ra. Những con voi nhà có khi bắt được "hương tình" của nhau nhưng đành bất lực bởi những sợi dây xích oan nghiệt. Có lẽ đó là câu trả lời tại sao trong ngần ấy năm, chưa có một chú voi con nào ra đời trong điều kiện nuôi nhốt.
Chúng tôi ra về khi ánh hoàng hôn phủ dần lên buôn làng, mang theo cả nỗi buồn, sự lo lắng của người dũng sĩ săn voi cuối cùng của vùng đất này về một viễn cảnh không còn bóng dáng những con voi…
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 con voi nhà và khoảng 80 -100 cá thể voi rừng. Trong những năm qua nhiều voi nhà, voi rừng chết với nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ năm 2012 đến nay có 10 con voi nhà chết, 2009 đến nay có 25 voi rừng chết. |
Dạ Yến Thảo
Ý kiến bạn đọc