Nghệ sĩ Trương Ân và những cuộc thử nghiệm với tre trúc
Được biết, cái ching Kram đeo được Trương Ân cải tiến lần đầu là những thanh tre đơn lẻ được kết lại trên cái giá bằng dây (đeo vào cổ và tỳ vào bụng) để vừa đi vừa đánh đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc trong các cuộc biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk ở trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, theo anh thì nó vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là trong động tác diễn xướng mất đi nét tự nhiên, uyển chuyển; hơn nữa, do không có điểm tựa vững chắc nên giá đỡ dàn ching Kram lúc chùng xuống, lúc căng lên khiến cho âm thanh bị phô, không chuẩn xác, vì thế phải làm lại và khắc phục “nhược điểm” này.
Theo ý tưởng của nghệ nhân Trương Ân, có thể lấy thắt lưng làm điểm tựa và những thanh ching Kram cùng ống cộng hưởng sẽ được sắp xếp theo hình bán nguyệt trên giá đỡ bằng chất liệu khác để diễn tấu theo chiều trái - phải và ngược lại, chứ không nhất thiết từ dưới lên như hiện tại. Có lý và khả thi lắm – Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, cũng như Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêô đều đồng tình với ý tưởng cải tiến của Trương Ân. Họ cho rằng người nghệ nhân tâm huyết này sẽ làm được và sẽ gây tiếng vang trong giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật như chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” do anh kế thừa và sáng tạo khoảng 10 năm về trước.
Nghệ sĩ Trương Ân (người đứng) cùng Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân trao đổi kinh nghiệm chế tác nhạc cụ từ tre trúc. Ảnh: H.Hùng |
Nhấp ngụm cà phê, Trương Ân chia sẻ: Chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” do anh cải tiến, nguyên thủy của nó là dàn ching Kram chỉ có một hàng thanh tre ngang và mỗi thanh tre được coi là một phím đàn, có điều khi đánh lên, âm thanh không vang và âm vực không sâu rộng bằng ching Kram sau khi được cải tiến. Anh cho hay, trên nguyên tắc cộng hưởng giữa hàng thanh tre ngang và hàng ống thẳng đứng phía dưới của chiếc đàn, mình nâng lên thành hai hàng ống với nhiều biên độ cộng âm phong phú hơn, nên chiếc đàn ching Kram được cải tiến này dễ dàng hòa điệu với tất cả các lọai nhạc cụ khác, kể cả dàn nhạc hiện đại nhất. Ching Kram từ đó không những độc tấu một mình, mà còn giữ nhịp đệm và hòa tấu với bất kỳ một “bữa đại tiệc âm nhạc” hiện đại và hoành tráng nào đó diễn ra trong mọi không gian diễn xướng. Nghệ sĩ Trương Ân nói qua những cuộc liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, ching Kram cải tiến này được giới chuyên môn đánh giá cao và xem đó là chiếc đàn “Piano” của Tây Nguyên đương đại.
Có thể nói, đến nay cùng với Vũ Lân, Y San Alêô, nhiều người biết đến Trương Ân cũng nhờ những âm thanh tre trúc chở đầy cảm xúc và suy tư trong đời sống tinh thần người dân tộc thiểu số tại chỗ mà anh đã cùng đồng nghiệp kế thừa và sáng tạo nên. Ví như từ những ống tre trúc dài ngắn khác nhau được đồng bào dân tộc thiểu số (Êđê, Bana, Jrai) treo trang trí trước hiên nhà, để khi cơn gió thổi qua làm những ống tre trúc ấy va đập vào nhau, phát ra âm thanh lanh canh, lúc khoan, lúc nhặt… Trương Ân kết hợp nó lại thành một hàng ống liền kề nhau (số lượng nhiều hay ít, tùy thuộc vào không gian diễn xướng), sau đó đeo vào người để gõ - và loại nhạc cụ mới mẻ này được gọi là chiêng gió đeo. Nghệ sĩ Trương Ân cho rằng: chiêng gió đeo có lợi thế là di chuyển linh hoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên sân khấu cố định, hay ngoài trời khoáng đạt. Ở đâu cũng có thể hòa điệu nhịp nhàng với các loại nhạc cụ truyền thống nổi trội như cồng chiêng, đàn T’rưng và nhiều bộ gõ có ống cộng hưởng khác.
Những loại nhạc cụ này dã đem lại cho công chúng thưởng lãm cảm giác mới lạ và đầy hứng khởi. Những dịp biểu diễn thường kỳ, hay tham gia liên hoan âm nhạc ở trong tỉnh, toàn quốc hay quốc tế của Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk đều không thiếu những nhạc cụ tre trúc của Trương Ân - và người xem tỏ ra say mê, thú vị với nó. Từ ching Kram đeo, ching gió cho đến chiếc đàn “Piano Tây Nguyên” do Trương Ân kế thừa và sáng tạo quả là những cuộc thử nghiệm đầy thú vị với tre trúc.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc