Ngược Cao Phong vãn cảnh đền Bồng Lai
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp Tây Bắc, đền Bồng Lai ở xứ sở Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mọi miền. Ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Đền Bồng Lai được xây dựng vào năm 1890; đến năm 2013, đền được trùng tu, xây dựng khang trang hơn. Trong đền hiện còn lưu giữ quả chuông từ đời vua Thành Thái và hai đạo sắc của các triều vua. Hằng năm ngôi đền đón hàng vạn du khách thập phương đến chiêm bái, diễn xướng tín ngưỡng thờ đạo Mẫu, hầu đồng và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Tọa lạc dưới chân núi Đầu Rồng, thuộc khu 3 thị trấn Cao Phong cách TP. Hòa Bình khoảng 10 km về phía Nam, đền Bồng Lai ở một vị trí đắc địa. Đền tựa lưng vào núi đá cao sừng sững, vững chắc, tựa như long ngai, phía xa xa là sông Đà xanh thẳm. Khung cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây khiến cho du khách khi bước qua cổng tam quan của ngôi đền như lạc vào chốn thần thiên bởi sự hòa quyện giữa cảnh trời mây, non nước với triền núi đá hùng vĩ, thơ mộng.
Đền Bồng Lai tọa lạc dưới chân núi Đầu Rồng. |
Đền Bồng Lai thờ Đệ Nhị Thượng ngàn (tức Cô Đôi Thượng Ngàn) và các vị tiên thánh trong Tứ Phủ. Chiêm bái đền Bồng Lai, du khách như được sống trong một không gian thanh tịnh, linh thiêng và hòa mình vào tín ngưỡng thờ Tứ Phủ, đạo Mẫu, hầu đồng và các nghi lễ cúng. Đồng thời khi đến đền Bồng Lai, du khách sẽ được người dân bản địa kể những huyền tích về Cô Đôi và vẻ đẹp của vùng đất này. Theo người già kể lại, tương truyền từ xa xưa, đây vốn là nơi Cô Đôi gặp Thánh Mẫu Đệ Nhị và vị trí ngôi đền ngày nay cũng là nơi hóa của Cô Đôi.
Đứng từ xa chiêm bái, đền Bồng Lai tựa như chốn tiên cảnh, không chút bụi trần. Những mái vòm của ngôi đền như đài sen đang xòe cánh, tạc vào đá núi những đường nét rồng phượng tinh xảo và mềm mại. Bước vào không gian bên trong, vẻ trang nghiêm toát lên từ những ban thờ, tượng thờ. Hai bên ngôi đền có ban thờ Tứ Phủ Thánh Cô và Tứ Phủ Thánh Cậu. Gian bên ngoài của đền thờ Công Đồng, Quan Hoàng Triệu (Quan Hoàng Đôi) và Quan Điều Thất (Quan Lớn Điều Thất).
Tiếp đến là gian thứ hai thờ Ngọc Hoàng, Tứ Phủ Thánh Hoàng và Trần Triều. Gian thứ ba thờ Tứ Phủ Chầu Bà, Sơn Trang Thượng, Sơn Trang Thoải. Trong cùng là hậu cung, nơi đặt khám thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Cô Đôi Thượng Ngàn.
Đền Bồng Lai là điểm dừng chân thú vị trong hành trình du lịch tâm linh của du khách về miền Tây Bắc. |
Đi ngược lên phía trên chân núi Đầu Rồng, phía bên trái là ngôi đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Tuy không được xây bằng gạch ngói nhưng ngôi đền này khá độc đáo, đó là một hang động tọa lạc trên vách núi. Qua những bậc đá cheo leo, du khách sẽ đến được không gian của ngôi đền, đi sâu vào bên trong động sẽ có ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, gặp giếng nước tự nhiên ngay ở cửa đền.
Vẻ đẹp tâm linh của đền Bồng Lai còn hòa quyện với vẻ đẹp thơ mộng và kỳ thú của đá núi Đầu Rồng. Bao phủ trên núi là thảm thực vật xanh tốt quanh năm. Vào mùa xuân, muôn loài hoa rừng đua nở khoe sắc, ong bướm, chim chóc kéo về. Phía sau ngôi đền là hệ thống các hang động ẩn sâu trong lòng núi đá, chứa đựng bao điều bí ẩn để con người khám phá với các hang động như: Hoa Sơn Thạch, Không Đáy, Phong Sơn, Nhãn Long Sơn. Những nhũ đá muôn hình thù buông xuống từ trên vách hang động tạo nên những đường nét kỳ lạ…
Đền Bồng Lai, nơi dừng chân thú vị trong hành trình du lịch tâm linh về miền Tây Bắc sẽ giúp cho du khách có thêm những cảm nhận về vẻ đẹp của non nước Việt Nam.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc