Thăm làng "Người mặt hổ" ở Myanmar
Myanmar là đất nước có hơn 100 dân tộc cư trú ở nhiều tiểu bang khác nhau và chia thành 8 nhóm dân tộc chính là: Kachin, Kayah, Kayin, Chin, Bama, Mon, Rakhine, Shan.
Người Chin sinh sống ở miền núi cao, hẻo lánh thuộc tiểu bang Mrauk U in Rakhin và tiểu bang Chin, phía tây Myanmar, nơi tiếp giáp với Ấn Độ và Bangladesh. Họ là tộc người thiểu số chiếm khoảng 2% dân số của đất nước Myanmar. Một trong những tập tục truyền thống lâu đời và độc đáo của người Chin phải kể đến đó là tục xăm mặt. Những người phụ nữ của dân tộc này từ lâu đã nổi tiếng với nhiều hình xăm trên mặt và được mệnh danh là “Người mặt hổ”.
Bộ tộc Chin thường cư trú trên các mõm núi cao, cách biệt với thế giới bên ngoài. Núi non trùng điệp, từ làng này qua làng kia chỉ là những “con đường dân sinh” do người địa phương tự mở lối. Kể từ khi tình hình an ninh của Myanmar được ổn định, không còn xung đột sắc tộc, Nhà nước Myanmar đã có những hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài những đền đài, chùa tháp, lễ hội độc đáo còn có sự hấp dẫn từ di sản văn hóa các tộc người.
Trong các tài liệu hướng dẫn du lịch, có một điểm đến kỳ thú mà các nhà nhiếp ảnh, du khách quan tâm khi đến Myanmar là Làng người Chin xăm mặt (Kyar Hto Chin Tattooed Face village). Ngôi làng nổi tiếng này thuộc vùng Mindat, thủ phủ của người Chin. Đường quốc lộ đến tiểu bang Chin đã được nâng cấp tạo điều kiện cho nhiều người tìm đến đây khám phá văn hóa bản địa. Chính phủ Myanmar cũng đã đầu tư xây dựng con đường quốc lộ nối liền vùng thánh địa Bagan đến Mindat, miền tây xa xăm.
Tuy nhiên, từ trung tâm đến các ngôi làng người Chin thường rất xa mà lại chưa có đường ô tô đến tận làng. Những phượt thủ kỳ cựu từ các nước đến đây cũng không dám thuê xe gắn máy tự đi vào các bản làng người Chin mà phải có người địa phương chở đi và dẫn đường bởi chỉ có người địa phương mới quen đường và vững tay lái vượt qua quãng đường vô số những khúc cua cùi chỏ đầy nguy hiểm.
Phụ nữ bộ lạc M'uun có hình xăm chữ Y trên trán. |
Sự cô lập với cuộc sống hiện đại giúp người Chin gìn giữ được khá nguyên vẹn các sắc thái tộc người. Họ ở trong những ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ, chưa thấy xuất hiện các công trình bê tông, trừ các trường học được xây kiên cố. Họ làm nương rẫy, chăn nuôi gia cầm gia súc để mưu sinh. Lúa, ngô là lương thực chính. Giống như các tộc người ở núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên của Việt Nam, trong nhà hoặc trước hiên nhà người Chin thường treo những đầu thú rừng - chiến tích săn bắn và vô số đầu trâu - chứng tích của những lễ hội mừng mùa, hiến tế thần linh từ nhiều năm qua. Phụ nữ dân tộc Chin có sắc phục giản dị với chiếc áo thổ cẩm màu xanh ngắn tay, chuỗi trang sức đơn sơ.
Điều làm nên dấu ấn khác biệt của tộc người Chin chính là những hình xăm trên gương mặt họ. Truyền thuyết của người Chin kể rằng, ngày xưa, có một vị vua đi ngang qua ngôi làng, thấy phụ nữ ở đây xinh đẹp nên đã bắt một số người về làm vợ. Từ đó, các gia đình người Chin, khi con gái lên 11 - 15 tuổi thì buộc phải xăm lên mặt như là cách “giấu đi” dung nhan để không bị bắt cóc.
Truyền thuyết dường như cũng có cơ sở thực tế vì nhiều phụ nữ nơi đây có dung mạo rất đẹp, sự duyên dáng vẫn ẩn hiện cho dù gương mặt họ bị hình xăm xâm lấn. Nhiều cụ bà có gương mặt phúc hậu, giữ được nét đẹp qua thử thách thời gian, chứng tỏ thời trẻ họ rất xinh xắn, quyến rũ. Dần về sau, xăm mặt trở thành tập tục gắn với quan niệm thẩm mỹ của tộc người. Người dân nơi đây xăm mặt là để làm đẹp, để được thần linh bảo vệ chứ không phải tự làm xấu mình như câu chuyện trong truyền thuyết. Họ làm vậy cũng nhằm phân biệt, tránh nhầm lẫn với người của bộ tộc khác. Qua năm tháng, những hình xăm trở nên thân thuộc với người phụ nữ Chin và trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp, sức chịu đựng và lòng tự hào của họ. Thậm chí, nếu phụ nữ không có hình xăm trên mặt thì bị lạc lõng trong con mắt cộng đồng, sẽ khó lấy được chồng.
Cụ bà dân tộc Chin có hình xăm xuống đến tận cổ. |
Người Chin ở Myanmar có đến 6 “nhóm địa phương” cư trú tại các địa bàn riêng nên mỗi bộ tộc lại có những hình xăm khác nhau. Người M'uun dễ nhận ra nhất với các hình chữ P hoặc D móc nối nhau trên mặt cùng với biểu tượng giống chữ Y trên trán. Người M'kaan có hình xăm theo hàng trên trán và cằm. Người Yindu và Dai lại xăm những đường dọc trên toàn khuôn mặt, gồm cả mí mắt. Người Nga Ah xăm cả chấm tròn và đường kẻ. Người Uppriu có khuôn mặt chi chít các hình xăm chấm tròn. Có tộc người xăm dạng các tia như hình mạng nhện.
Đặc biệt có bộ tộc xăm những đường vằn vện trông giống như mặt hổ. "Mực" xăm được làm từ lá cây, chồi cây và bồ hóng. Lá cây tạo nên màu sắc, bồ hóng đóng vai trò sát trùng, còn chồi cây được sử dụng ở công đoạn cuối cùng với vai trò băng bó và làm lành vết xăm. Người Chin dùng gai nhọn có trên một số loài cây châm vào da để tạo nên hình xăm có màu đen hoặc màu xám tro nổi rõ trên da mặt. Trong khi các nhóm dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á thường có hình xăm trên các bộ phận của thân thể như ngực, lưng, chân, tay thì người Chin chú trọng các hình xăm trên gương mặt. Họ thường xăm trên toàn bộ khuôn mặt hay thậm chí là xuống tới cổ.
Chính phủ Myanmar đã cấm tập tục xăm mặt từ những năm 1960 trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục và hiện đại hóa đất nước. Ngày nay, phụ nữ người Chin không còn xăm mặt nữa. Những người có hình xăm trên mặt là thế hệ cuối cùng duy trì tập tục, nay đã lớn tuổi. Ở huyện lỵ Mindat, du khách cũng thường bắt gặp các nhóm thổ dân Chin mang gùi đi chợ hoặc đi thăm bà con với gương mặt có nhiều hình xăm. Họ vui vẻ, tự hào để du khách ngắm nhìn gương mặt lạ và độc đáo của mình. Tại đây, có bà Yaw Shen và người hàng xóm Hung Shen, cả hai đều gần 90 tuổi, rất nổi tiếng với hình xăm trên mặt và đeo đôi khuyên to, làm cho dái tai căng ra, giống như các cụ bà người M’nông, Mạ, Stiêng ở Tây Nguyên. Đặc biệt, bà Yaw Shen biết thổi sáo bằng mũi, một nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chin đang dần mai một. Đó là “món quà” nghệ thuật đặc sắc để phục vụ khách du lịch khi đến tận nhà thăm hỏi cụ bà và tìm hiểu văn hóa của bộ tộc Chin.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc