Multimedia Đọc Báo in

Vẽ đại ngàn qua những tà áo dài

15:37, 26/05/2019

Chọn mảnh đất Đắk Lắk nơi mình sinh ra và lớn lên để phát triển sự nghiệp thiết kế thời trang, anh Nguyễn Thành Trung (SN 1989 tại TP. Buôn Ma Thuột) đã mang đến công chúng những sản phẩm thời trang đậm dấu ấn quê hương và bản sắc dân tộc.

Kết nối văn hóa và thời trang

Dù đang thành công với nghề biên đạo múa, nhưng anh Trung vẫn quyết định tạm gác lại công việc này để theo đuổi đam mê thiết kế thời trang. Anh xin vào làm cho các công ty thời trang để vừa học vừa làm, với sự cố gắng và ham học hỏi, chỉ trong thời gian ngắn anh đã có thể lĩnh hội được nhiều bí quyết trong nghề. Từ đó, anh ấp ủ ý tưởng thiết kế những bộ sưu tập mang dấu ấn quê hương. 

Bộ sưu tập “Hoa đại ngàn” lấy ý tưởng từ những loài hoa đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên
Bộ sưu tập “Hoa đại ngàn” lấy ý tưởng từ những loài hoa đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên.

Sau nhiều năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Trung quyết định trở về Đắk Lắk để thực hiện các dự định đã ấp ủ. Vì anh nhận ra, đây chính là nơi có nhiều chất liệu để phục vụ lĩnh vực thiết kế, nhất là những tấm thổ cẩm do chính người dân tộc thiểu số tại chỗ dệt nên, với những họa tiết độc đáo mô tả hình ảnh sinh hoạt đời sống. Anh Trung cho hay, mỗi tấm thổ cẩm thêu tay mất rất nhiều công sức, tỉ mỉ từng chi tiết, từ cách kéo chỉ, lên khung… nhưng giá trị của nó chưa được đánh giá đúng mức. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến anh luôn đau đáu về việc làm sao sử dụng thổ cẩm một cách hợp lý để có thể nâng được giá trị đúng tầm của chất liệu. 

Anh bắt đầu bằng việc dùng thổ cẩm làm chất liệu tạo nên những trang phục hằng ngày, đặc biệt là áo dài. Sự kết hợp giữa văn hóa và thời trang đã tạo nên những bộ áo dài vừa tân thời vừa mang nét đặc trưng riêng biệt. Mỗi chiếc áo dài không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn như một tác phẩm nghệ thuật lôi cuốn. Thế nên nhiều khách hàng tìm đến anh không chỉ mong muốn có một sản phẩm đẹp, mà còn là tìm đến với cội nguồn, tìm về những giá trị của truyền thống dân tộc. 

Sản phẩm mang dấu ấn quê hương

Cho đến nay anh Trung đã có 3 bộ sưu tập lớn, chủ yếu là áo dài (Chân dung mẫu hệ, Hoa đại ngàn, Hoài cổ), cùng hàng nghìn bộ trang phục ứng dụng khác. Đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng nó thật sự có ý nghĩa và giúp anh có động lực để tiếp tục sáng tạo.

Anh Trung cho hay, những bộ sưu tập của anh đều lấy ý tưởng và chất liệu từ chính mảnh đất Tây Nguyên, mỗi tác phẩm mang một ý nghĩa và cách thức sáng tạo riêng. Như bộ sưu tập “Chân dung mẫu hệ”, anh đã có trên 10 năm ấp ủ dự định và tìm chất liệu hiện thực từ hình ảnh những người mẹ, người chị cần mẫn dệt thổ cẩm. Ngắm 20 bộ áo dài được hoàn thiện với những kiểu cách khác nhau, anh vô cùng xúc động. Những nghệ nhân dệt thổ cẩm khi thấy sản phẩm của mình được sáng tạo đều rất đỗi vui mừng và càng có thêm động lực để bảo tồn loại hình văn hóa này. 

Anh Trung mong nghề dệt thổ cẩm thủ công tại địa phương sẽ được quan tâm, bảo tồn và gìn giữ; đồng thời có cơ hội phát triển xứng tầm với xu hướng hội nhập, góp phần giúp bà con sống được với nghề truyền thống này.

Bộ sưu tập “Hoa đại ngàn” lại lấy ý tưởng từ những loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên như hoa cà phê, hoa dã quỳ, hoa pơ lang… Mỗi loài hoa đều gắn với một truyền thuyết, một câu chuyện ý nghĩa; thế nên mỗi bông hoa được đính tỉ mỉ lên tà áo đều rất sống động, gây sức hút với người mặc cũng như người chiêm ngưỡng. Bộ sưu tập ra mắt đúng vào ngày 20-10 vừa qua cũng chính là món quà anh gửi đến những người phụ nữ, mong họ luôn đẹp và mạnh mẽ như những cánh hoa đại ngàn.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thành Trung
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thành Trung.

Trong quá trình gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc từ các chất liệu quê hương, anh Trung không đơn độc mà luôn có sự ủng hộ của người thân, đồng nghiệp; họ cùng anh tạo nên những tác phẩm đẹp. Rất nhiều khách hàng lựa chọn các sản phẩm của anh Trung, đơn giản là vì họ yêu thích sự nhiệt huyết, yêu nghề và may trang phục bằng tất cả tâm huyết của anh, với họ đó là vẻ đẹp đáng tự hào. 

Trong thời gian tới, anh Trung dự định thiết kế và đưa thổ cẩm vào các trang phục dạ hội, phục trang biểu diễn… vì những sản phẩm này dễ dàng hội nhập hơn với thời trang thế giới, từ đó dễ dàng giới thiệu với bạn bè gần xa về văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.