Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm dấu tích Chăm trên cao nguyên Đắk Lắk (Kỳ cuối)

08:19, 24/06/2019

[links(left)]

Mỗi dấu tích Chăm ở Đắk Lắk đều in đậm ký ức trong mỗi cộng đồng, dân tộc từng chung sống với nhau qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Nỗ lực tìm kiếm tư liệu, hiện vật để phục dựng và tôn tạo lại các di tích Chăm trên vùng đất này là việc làm cần được nghiên cứu, triển khai với thái độ thành tâm và khoa học của các cơ quan chuyên môn.

Kỳ cuối:  Đừng để ký ức nhạt nhòa

Mỗi dấu tích Chăm ở đây đều in đậm ký ức trong mỗi cộng đồng, dân tộc từng chung sống với nhau qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Nỗ lực tìm kiếm tư liệu, hiện vật để phục dựng và tôn tạo lại các di tích Chăm trên vùng đất này là việc làm cần được nghiên cứu, triển khai với thái độ thành tâm và khoa học của các cơ quan chuyên môn.

Linh vật của tháp Yang Prông ở đâu?

Theo tài liệu của hai nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp - Odend Hal và H. Maitre, khi ngôi tháp Yang Prông được phát hiện và công bố thì bộ “sinh thực khí” cùng với tượng thần Mankhalinga vẫn còn và nó chỉ biến mất vào khoảng thời gian những năm 1939 - 1940, đến nay không ai biết báu vật này nằm ở đâu, do quốc gia nào sở hữu? Ngay cả trong bộ hồ sơ khá đầy đủ về ngôi tháp độc nhất vô nhị này mà Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ cũng không biết rõ linh vật kia biến mất từ lúc nào và hình ảnh về nó cũng không có để có thể phục dựng khi điều kiện cho phép.

Nơi di tích Chăm tọa lạc thuộc xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) ngày nay đã biến thành làng mạc trù phú.
Nơi di tích Chăm tọa lạc thuộc xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) ngày nay đã biến thành làng mạc trù phú.

Giờ đây ngôi tháp chỉ còn lại phần vỏ với khối gạch nung được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng Chămpa thế kỷ XIII. Trải qua thời gian, thân ngôi tháp trở nên hư hại và xuống cấp, buộc chính quyền địa phương phải bố trí kinh phí trùng tu. Đợt gần đây nhất là vào năm 2013, ngôi tháp được làm mới lại bằng cách dùng máy đánh bóng lớp gạch đã rong rêu, sau đó dùng thép cỡ lớn niềng chặt thân tháp lại cho khỏi gục đổ. Quanh ngôi tháp vốn là rừng cây rậm rạp, nhưng để mở rộng không gian phục vụ cho khách thập phương đến chiêm bái, qua đợt trùng tu trên, người ta đã đốn hạ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi để xây sân bãi và bồn hoa như tiểu lâm viên trong thành phố! Còn du khách thì mang đến đủ thứ phẩm vật, lễ tế như vàng mã, áo binh, ấm lọ, chén bát, lư hương… bày ra khắp chân tháp.

 
“Dấu tích Chăm ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã không lưu giữ được ký ức đẹp đẽ và huy hoàng một thời, nó đang trở thành phế tích. Nhẹ thì bị biến dạng ít nhiều, nặng hơn thì hoang tàn và phôi pha vì không ai nhớ tới. Trong mỗi phế tích kia dường như đang diễn ra một cuộc “so găng” đầy kịch tính và căng thẳng giữa sự vô tình của thời gian với lương tâm, trách nhiệm của con người hiện tại”.
 
TS. Nguyễn Thị Kim Vân, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Trong khi đó, nhiều người dân (ở thôn 5, xã Ea Rốk - huyện Ea Súp) cho rằng, việc làm cấp thiết nhất lại không được chú trọng. Đó là phải sớm xây dựng bờ kè vững chắc để chống sự xói lở từng ngày của con suối Ea H’leo đang trên đà xé rộng thành sông và “ăn dần” vào di tích như một mối hiểm nguy tiềm tàng, đáng sợ. Chưa hết, cổ tháp này ngày càng trở nên “teo tóp” đáng kinh ngạc vì bị dân nhập cư vào đây xâm hại. Ngoài ruộng lúa, nương ngô, rẫy sắn được nới rộng về phía phần đất có ngôi tháp tọa lạc, thì vấn đề đáng lo ngại nhất - theo chính quyền địa phương phản ánh là nạn khai thác cát, đá trên suối Ea H’leo nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều và dồn dập đã khiến kết cấu địa chất ở đây biến đổi, sụt lún thấy rõ.

Theo ông Y Sum Êban, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Rốk, từ vấn nạn đó mà con suối Ea H’leo dần thay đổi dòng chảy, ngày càng “trực chỉ” vào ngôi tháp với mức độ dồn dập và hung dữ hơn vào mùa mưa, khiến di tích Chăm này đứng trước thách thức thật sự. Cổ tháp Yang Prông có đứng vững được hay không, điều đó tùy thuộc vào thái độ và hành động của những người có trách nhiệm trong các cơ quan hữu trách địa phương.

Những hiện vật vô giá 

Theo Bảo tàng Đắk Lắk, sau hai đợt điền dã và khảo sát dấu tích Chăm Cư Êwi (năm 1997 và 2007) với những thông tin như đã nêu thì đến nay chưa có phát hiện gì thêm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ người dân sống trong vùng di tích thì được biết, trong lúc đào giếng, gia đình ông Ngô Đình Thọ đã phát hiện một phiến đá khá to (cỡ 1,6 x 2 m) trên đó có khắc chữ cổ ngoằn nghoèo, sau đó không nhớ đã vứt nó đi đâu. Ngoài ra, bà con ở đây còn tìm thấy những bức phù điêu chạm khắc các nữ thần trong tư thế múa lượn và bay bổng rất đẹp. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật này đều không còn nguyên vẹn và bị người dân đập bỏ làm vật liệu xây nhà, xây sân trong suốt thời gian sinh cơ, lập nghiệp trên vùng đất này.

Cổ tháp Yang Prông sau khi được trùng tu bằng phương pháp mài bóng lớp gạch rong rêu bên ngoài.
Cổ tháp Yang Prông sau khi được trùng tu bằng phương pháp mài bóng lớp gạch rong rêu bên ngoài.

Ông Bùi Tấn Lợi, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) cho biết, từ năm 2007 đến nay, không thấy ai đến hỏi han, tìm hiều về quần thể di tích này nữa và nó đã thật sự bị quên lãng. Hơn nữa, từ khi tách ra thành xã mới, người dân tứ xứ đổ vào sinh sống đông dần nên hầu hết diện tích đất nơi quần thể di tích tọa lạc (bao gồm thôn 1A, 1B và thôn 2) đã biến thành làng mạc trù phú, ổn định với hơn 800 hộ dân, vì thế người ta không nhắc đến chuyện đã từng có một di tích rất cổ tồn tại ở đây nữa (!). Chẳng còn dấu vết nào ngoài bức tường bằng gạch bị múc ủi và lộ ra khi làm đường giao thông nội bộ vào các thôn 1A, 1B cách đây vài năm. Trong quá trình xây dựng, mở mang các hạng mục phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, người dân trong vùng đã lấy rất nhiều gạch từ di tích này để làm tường rào, lót sân càng khiến dấu tích Chăm ở Cư Êwi mất dạng.

           Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.