Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Những bất cập về quản lý, sử dụng nhà văn hóa, hội trường thôn, buôn

08:57, 29/06/2019

Hệ thống nhà văn hóa, hội trường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, xây dựng và bàn giao cho thôn, buôn, tổ dân phố quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà văn hóa, hội trường đều đã phát huy hết công năng sử dụng.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, trên địa bàn hiện có 83/149 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, hội trường. Bên cạnh các nhà văn hóa, hội trường bảo đảm về diện tích, cơ sở vật chất thì vẫn còn 45/83 nhà văn hóa, hội trường (chiếm 54,2%) đã xuống cấp và hư hỏng nhiều, đến nay chưa được sửa chữa, tu bổ. Một số thì diện tích xây dựng nhỏ hẹp, không có tường rào, cây xanh, nhà vệ sinh, điện thắp sáng, không có sân vui chơi hoặc sân lầy lội khi mùa mưa đến.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 1 (phường An Lạc) xây dựng ở vị trí không thuận tiện nên chưa phát huy hiệu quả sử dụng.
Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 1 (phường An Lạc) xây dựng ở vị trí không thuận tiện nên chưa phát huy hiệu quả sử dụng.

Đơn cử như Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 1 (phường An Lạc) được đầu tư xây dựng năm 2015 với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhìn bề ngoài, nhà văn hóa cộng đồng này được xây dựng kiên cố, nhưng bên trong thì bụi rác khắp nơi, bàn ghế lộn xộn.

Anh Y Dhơm Bkrông, Trưởng buôn Tring 1 kiêm quản lý nhà văn hóa buôn cho hay, do không bố trí được quỹ đất ở trung tâm buôn nên đành phải xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở khu vực đồi thông, cách buôn khoảng 500 m. Nơi đây khá hoang vắng, đi lại không thuận tiện, nhà văn hóa không có sân chơi, tường rào, chưa có loa đài, điện thắp sáng trong khi các cuộc họp thường diễn ra vào ban đêm. Do đó, các sự kiện lớn của buôn chủ yếu được phối hợp tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 2.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ văn hóa phường An Lạc cho biết: "Phường có 3 buôn và 12 tổ dân phố, nhưng mới chỉ có 8 buôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, hội trường, số còn lại phải mượn nhà dân làm nơi hội họp, sinh hoạt vì chưa bố trí được quỹ đất".

Thôn 8 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) chưa có hội trường, phải mượn nhà mẫu giáo của Nông trường Cao su Cư Bao làm nơi sinh hoạt.
Thôn 8 (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) chưa có hội trường, phải mượn nhà mẫu giáo của Nông trường Cao su Cư Bao làm nơi sinh hoạt.
 

"Trong số các nhà văn hóa, hội trường trên địa bàn, Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 2 (phường An Lạc) thực sự phát huy hiệu quả vì được xây dựng ở vị trí trung tâm buôn, bảo đảm cơ sở vật chất, diện tích, có ban chủ nhiệm và được UBND phường An Bình quan tâm, hỗ trợ kinh phí chi trả cho người trông coi, bảo quản, dọn dẹp vệ sinh. Nơi đây, không đơn thuần là chỗ tổ chức sinh hoạt, hội họp, mở lớp tập huấn, dạy nghề mà còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các sự kiện lớn của địa phương".


 
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Buôn Hồ Nhữ Thị Lệ

Một số thôn, buôn, tổ dân phố chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, hội trường nên phải mượn tạm nhà dân hoặc nhà mẫu giáo làm nơi sinh hoạt. Chẳng hạn như thôn 8 (xã Cư Bao) có 108 hộ, với 450 khẩu nhưng do chưa được đầu tư xây dựng hội trường nên bao năm qua, cấp ủy, ban tự quản thôn vẫn phải mượn tạm một phòng mẫu giáo của Nông trường Cao su Cư Bao làm nơi hội họp. Qua nhiều năm sử dụng, căn phòng cấp 4 này ngày càng xuống cấp, chật chội, các trang thiết bị, bàn ghế cũ kỹ, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

“Địa phương đang làm thủ tục đề nghị nông trường bàn giao quỹ đất để cấp cho thôn xây dựng hội trường. Khi có quỹ đất, thôn sẽ huy động nhân dân đóng góp cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng hội trường mới khang trang, sạch đẹp, theo tiêu chí nông thôn mới”, ông Nguyễn Văn Khoan, Bí thư Chi bộ thôn 8 khẳng định.

Ngoài các vấn đề trên, sở dĩ hệ thống nhà văn hóa cộng đồng, hội trường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ chưa phát huy hết công năng sử dụng còn do nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên không bảo đảm, chủ yếu là vận động nhân dân đóng góp. Hơn nữa, ngoài một số nhà văn hóa cộng đồng đã có ban chủ nhiệm hoặc người phụ trách thì hầu hết đều do các trưởng thôn, buôn kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp nên việc duy trì và tổ chức hoạt động ít nhiều hạn chế.

Theo bà Nhữ Thị Lệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Buôn Hồ, để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa, hội trường thôn, buôn, tổ dân phố, thời gian tới thị xã Buôn Hồ tiếp tục huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, khuyến khích người dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa, hội trường. Đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho ban chủ nhiệm nhà văn hóa. Bên cạnh đó, thị xã chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban chủ nhiệm trong quản lý, sử dụng và xây dựng các nội dung, chương trình hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng phù hợp với các nhóm đối tượng, các lứa tuổi và đặc thù của địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.