Cối giã trong đời sống của người Êđê
Trong đời sống của cộng đồng người Tây Nguyên nói chung và người Êđê nói riêng, cối giã có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không đơn thuần là dụng cụ làm bếp, cối giã còn là vật dụng gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của buôn làng.
Bước vào căn bếp truyền thống của người Êđê, bao giờ cũng thấy chiếc cối giã bằng gỗ dùng để phục vụ việc bếp núc. Với người Êđê, hầu hết các món ăn thường ngày đều phải dùng cối để chế biến, từ việc làm gia vị cho đến các món ăn truyền thống như canh bột, lá sắn, cà đắng... Ông Y Prênh Ayun (78 tuổi, ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) kể: Từ thời mới lập buôn, bà con đã tận dụng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên để làm ra những vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống hằng ngày. Trong số đó có thể kể đến những chiếc cối giã dùng để giã lúa, cà phê, các loại bột và nhiều thứ khác. Cũng bởi thế mà khi chế tác chúng, người ta thường làm ra nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Người Êđê dùng cối giã lá sắn. |
Ngày xưa còn nhiều rừng, người ta sử dụng các loại cây thân gỗ có kích cỡ to, chắc khỏe và độ bền cao như cây K’nung (lộc vừng), Êmal… để đẽo cối, công việc này được những người đàn ông to khỏe trong gia đình đảm nhận. Tất cả các công đoạn từ chặt cây, định hình, gia công cối đều làm thủ công hoàn toàn nên mất khá nhiều thời gian và sức lao động.
Giờ đây, khi những cánh rừng ngày một bị thu hẹp, cây K’nung cũng trở nên hiếm hoi, người dân chuyển sang tận dụng các cây gỗ có sẵn trong rẫy vườn để làm cối. “Đặc biệt, cối giã ngày xưa rất bền và có tuổi thọ hàng trăm năm nếu biết cách bảo quản. Như cối giã nhà tôi, đến nay đã truyền lại cho 4 thế hệ vẫn dùng bền và chắc” - ông Y Prênh chia sẻ. Ngoài sử dụng gỗ, bà con còn tận dụng những quả bầu hồ lô khô hoặc ống tre, nứa để làm cối; tuy nhiên cối làm bằng những vật liệu này có độ bền không cao bằng gỗ, người dùng phải nhẹ tay cẩn thận tránh làm vỡ.
Trong các dịp lễ tết, tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay…, để giúp nhau chuẩn bị cỗ cúng, bữa ăn, bà con thường mượn thêm cối giã của các gia đình trong buôn và phụ nhau cùng làm, mối gắn kết trong cộng đồng cũng vì thế mà thêm bền chặt. Chị H’Luốt Niê (buôn M’rưm, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) cho hay: Hễ nhà ai có đám là bà con tự giác đến phụ mỗi người một tay chẳng cần ai nhắc. Xong việc cánh thanh niên tập trung lại rủ nhau làm các món giã giải khuây như đu đủ giã muối ớt kiến vàng với xoài hoặc cóc. Mà các món này muốn tăng độ ngon phải giã bằng cối lớn mới đậm vị và đủ độ cay nồng trong những ngày nóng oi ả của ngày hè.
Ngoài cối gỗ nay có thêm cối xi măng. |
Bên cạnh cối giã làm bằng gỗ, tre, quả bầu khô, để phục vụ nhu cầu của khách hàng hiện nay trên thị trường xuất hiện thêm những chiếc cối đúc bằng xi măng với giá cả “mềm” hơn rất nhiều so với cối gỗ. Anh Y Phăng Mlô (ở buôn Jok, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar), một người chuyên đúc chậu hoa kiểng và cối xi măng cho biết: “Do nhu cầu của người sử dụng cao nên mình đã tận dụng xi măng để đúc cối. Mỗi cối giã thường có giá dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng, tùy thuộc vào kích cỡ”. Việc thay thế chất liệu làm cối giã từ gỗ sang xi măng cũng là một cách để góp phần giảm thiểu nạn khai thác gỗ rừng; đồng thời giúp người làm cối tiết kiệm được sức lao động cũng như thời gian.
H’Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc