Multimedia Đọc Báo in

Đền Đông Đô Quảng Hội - Dấu ấn thịnh vượng nơi Phố Hiến xưa

08:49, 14/07/2019

Nằm trong quần thể khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), đền Đông Đô Quảng Hội tại TP. Hưng Yên là dấu ấn cho sự phát triển và giao thương kinh tế xưa, minh chứng của câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Tọa lạc trên đường Phố Hiến thuộc phường Hồng Châu (TP. Hưng Yên), đền Đông Đô Quảng Hội và đền Thiên Hậu (Thiên Hậu cung) mang dáng vẻ và sắc màu cổ kính với kiến trúc độc đáo. Theo ghi chép được lưu lại trong hai ngôi đền, vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, do không chịu được ách thống trị nên nhiều người Minh đã rời bỏ quê hương đến các nước láng giềng làm ăn, sinh sống. Có 40 dòng họ người Trung Hoa thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến di cư đến nước ta tìm kế sinh nhai; trong số đó, có 14 dòng họ ở lại Phố Hiến làm ăn, buôn bán. Vào thời kỳ đó, Phố Hiến được coi là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, mua bán sầm uất "trên bến dưới thuyền" ở nước ta.

Đền Đông Đô Quảng Hội được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII (năm 1590). Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa Trung Hoa. Tương truyền, toàn bộ nguyên liệu, chủ yếu là gỗ, đồ thờ tự của đền được mang đến từ Trung Hoa theo đường biển. Đền thờ những vị thần của Trung Quốc (Tam thần) như thần Thái Y (vị thần chủ về thuốc), thần Hoa Quang (vị thần chủ về bách nghệ), thần Nông (vị thần chủ về nghề nông, chăn nuôi, trồng trọt) với quan niệm ba vị thần này sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc cho con người.

Đền Thiên Hậu, nơi lưu giữ những nét văn hóa kiến trúc, nghệ thuật độc đáo.
Đền Thiên Hậu, nơi lưu giữ những nét văn hóa kiến trúc, nghệ thuật độc đáo.

Đông Đô Quảng Hội ban đầu xây dựng có kiến trúc hình chữ Nhị gồm hai tòa nhà, sau này chỉ còn một tòa. Bên ngoài là cổng rồi đến sân và hai nhà hội quán quay mặt vào sân, sau đó là gian thờ. Đền gồm ba hạng mục là gian tiền tế, trung từ, hậu cung. Mái được lợp bằng ngói vảy, cột gỗ kê bằng đá tảng xanh thắt cổ bồng, cửa được chạm trổ kỳ công thể hiện hình các con vật như chim phượng, ngựa, hươu, nai, chim, thú và các loài cây quý như tùng, mai... Mặc dù mang dáng dấp kiến trúc của Trung Quốc nhưng Đông Đô Quảng Hội vẫn có những nét kiến trúc Việt, thể hiện ở điêu khắc rồng chầu, hổ phù trên các bức y môn, khám thờ. Phía hậu cung có tượng thờ của các vị Tam Thánh, phía trên đặt bức đại tự đề bốn chữ “Nam Thiên Đế Tụ”. Đền Đông Đô Quảng Hội còn lưu giữ các đồ thờ quý như chiếc đèn tọa đăng có niên đại từ thế kỷ XVII do người Đức sản xuất và bộ đồ thờ bằng đồng…

Di tích đền Đông Đô Quảng Hội và đền Thiên Hậu đã tạo cho Phố Hiến sắc màu cổ kính và nét kiến trúc độc đáo.
Di tích đền Đông Đô Quảng Hội và đền Thiên Hậu đã tạo cho Phố Hiến sắc màu cổ kính và nét kiến trúc độc đáo.

Nằm trong quần thể di tích Đông Đô Quảng Hội là đền Thiên Hậu (thường gọi là đền Thiên Hậu Cung) được xây dựng vào năm 1640. Đền thờ bà Lâm Tức Mặc, người được tôn vinh là vị thần Hàng hải (Thần biển), là Thiên Thượng Thánh Mẫu. Tương truyền, Lâm Tức Mặc là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Bà là người thông minh, chăm chỉ học tập nên năm lên 8 tuổi đi học tiên, luyện đơn thành chính quả, có thể hô mưa gọi gió, dùng phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Khi chứng kiến cảnh tượng người dân bị mất mùa, đói khổ, bà đã tìm ra rong biển để ăn, giúp nhân dân thoát khỏi cơn hoạn nạn. Sau khi hóa về trời, bà thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu giúp tàu thuyền qua lại. Khi di cư đến Phố Hiến, người Phúc Kiến đã lập đền thờ bà. Hiện đền còn lưu giữ 72 thánh tích và 32 sắc phong của các triều đại.

Lễ hội hai ngôi đền được tổ chức vào các ngày 23-2 (ngày sinh); 9-9 âm lịch (ngày hóa) của Thiên thượng Thánh Mẫu và ngày 10-10 âm lịch (ngày lễ đản của Tam Thánh Đế) gắn với lễ hội truyền thống văn hóa dân gian Phố Hiến.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.