"Bảo tàng thực vật sống" giữa lòng thành phố
Thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ hấp dẫn du khách bởi những lễ hội, nét văn hóa độc đáo, cà phê… mà còn bởi một không gian thực vật ấn tượng ngay giữa trung tâm thành phố.
Quá trình đô thị hóa đã làm mất nhiều diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn nên những mảng xanh hiện có trong thành phố trở nên quý giá. Khuôn viên xanh mát rộng hơn 6 ha tại Bảo tàng tỉnh và Di tích Lịch sử Văn hóa (số 4 Nguyễn Du) quy tụ 623 cây xanh, đa dạng về chủng loại với 119 loài (gồm 78 loài cây gỗ, 41 loài cây bụi thấp).
Trong đó có nhiều cây nguyên sinh: xoài Đồng Nai, bằng lăng, bời lời lá to, chôm chôm rừng…; hoặc một số loài cây đặc trưng Tây Nguyên như: kơ nia, giáng hương quả to, gõ đỏ, cẩm lai đen, vông Tây Nguyên, xoan mộc….; đặc biệt một số loài cây nằm trong sách đỏ như: gõ đỏ, trắc, giáng hương, lát hoa… đã mang đến cho nơi này vẻ đẹp nguyên sơ. Không những vậy, thảm thực vật phong phú đã tạo nên không gian mát mẻ, yên tĩnh và được ví như lá phổi xanh của thành phố.
Không gian xanh ở Bảo tàng tỉnh. |
Với những giá trị đó, khuôn viên Bảo tàng tỉnh được nhiều du khách trong nước, quốc tế và nhân dân địa phương lựa chọn để tham quan, thưởng ngoạn. Đây cũng là nơi thuận lợi để tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài trời cho du khách khi đến với Buôn Ma Thuột.
Trước đây hầu hết du khách và người dân địa phương khi đến với khuôn viên Bảo tàng tỉnh đều chưa biết được các loại cây nơi đây có tên là gì, giá trị, chức năng, công dụng của cây ra sao. Bảo tàng tỉnh đã mời các chuyên gia tổ chức nghiên cứu, điều tra, định danh các loài cây trong khuôn viên nhằm giới thiệu đến du khách vườn cây nguyên sinh với tuổi thọ hàng trăm năm, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, các giá trị tài nguyên thiên nhiên. Không những vậy, việc làm này còn giúp tôn tạo cảnh quan được xanh mát, thân thiện với môi trường; từng bước xây dựng nơi đây trở thành “Bảo tàng thực vật sống” giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột và là điểm đến ưa thích của mọi người.
Sau thời gian nghiên cứu, điều tra, định danh các loài cây trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, đến nay 441 cây có dữ liệu chi tiết và đã thực hiện gắn bảng hơn 300 cây. Bảng định danh được thiết kế bằng chất liệu gỗ, hình dạng chiếc lá thân thiện với môi trường; treo vào cây bằng lò xo ôm vòng quanh thân cây để bảo vệ tối đa sự sinh trưởng cho cây xanh, với các dữ liệu như: họ thực vật (bằng tiếng Việt), tên họ (bằng tiếng La Tinh), tên loài cây, tên khác, tên khoa học, nguồn gốc, phân bố, công dụng… Đặc biệt, thông tin chi tiết của những cây có gắn bảng được xử lý bằng các thiết bị chuyên ngành, phần mềm ứng dụng, số hóa và truy xuất qua mã QR Code…. Du khách có thể tìm kiếm thông tin chính xác, đầy đủ và hữu ích về các loại cây nguyên sinh, cây xanh đang được chăm sóc trong khuôn viên.
Bảng định danh cây xanh được thiết kế thân thiện với môi trường. |
Kết quả nghiên cứu còn đề ra những giải pháp về phương diện kỹ thuật, quản lý, cộng đồng để bảo tồn và phát triển cây xanh nơi đây. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất danh mục gồm 53 loài cây quý, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để trồng bổ sung nhằm đa dạng hóa hệ thống cây xanh trong khuôn viên cũng như giúp du khách có cái nhìn sâu sắc về nguồn tài nguyên thiên nhiên, dễ dàng nghiên cứu, tìm hiểu về các cây đặc trưng của Tây Nguyên; qua đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên rừng nói riêng.
Bắt đầu từ ngày 26-4-2019, khi tham quan khuôn viên cây xanh tại Bảo tàng tỉnh, du khách tải phần mềm định danh cây về máy và kiểm tra, sẽ hiển thị đầy đủ thông tin của cây. Ví dụ: Cây Cầy/Mã số cây: 56A/Khu G/Tên Việt Nam: Cầy/Tên địa phương: Kơ nia/Tên khoa học: Irvingia malayana Oliv. ex A.W.Benn./Họ thực vật: Irvingiaceae/ Nguồn gốc: Cây bản địa/ Phân bố: Đông Nam Á/Đường kính cây (D1,3m): 9cm/Chiều cao cây (Hvn): 5m/Tán cây (Dt): Bắc Nam (BN): 2,3m, Đông Tây (ĐT): 2,6m/ Tình hình sinh trưởng: tốt… |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc